Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng chống tội phạm

Phó Thủ tướng làm việc với Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, kiểm tra kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng chống tội phạm ảnh 1Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 7/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo 138/CP đã làm việc với Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Tổng cục 6), Bộ Công an kiểm tra kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua.

Cùng dự có Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an và đại diện Lãnh đạo các cơ quan nội chính Trung ương.

Theo Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 6, thời gian qua, tính chất tội phạm diễn biến trên địa bàn cả nước vẫn nghiêm trọng, đặc biệt là hoạt động của tội phạm có tổ chức tại các thành phố lớn, chủ yếu dưới dạng bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, cá độ bóng đá…

Đáng lo ngại, tội phạm liên quan đến sử dụng súng, vật liệu nổ gây án vẫn diễn ra nghiêm trọng. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, một số vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi gây án dã man, tàn bạo gây bức xúc trong dư luận. Tội phạm trộm cắp gia tăng ở cả thành thị lẫn nông thôn.

Từ đầu năm đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã đấu tranh, triệt phá hơn 22.000 vụ phạm pháp hình sự, triệt xóa gần 1.500 băng nhóm tội phạm. Công an cả nước đã bắt, xử lý 45.261 đối tượng.

Trong số hơn 7.000 vụ phạm tội về kinh tế có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như triệt xóa đường dây buôn lậu xăng dầu quy mô nghìn tỷ của Công ty Hoàng Sơn, Thanh Hóa và Công ty Đồng Tháp. Tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp với hơn 9.300 vụ bị điều tra khám phá, bắt giữ gần 14.000 đối tượng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Chỉ rõ những tồn tại trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng ý thức phòng, ngừa tội phạm còn chưa nghiêm, chưa thường xuyên, quyết liệt; tội phạm diễn biến phức tạp vẫn là mối lo ngại lớn của người dân.

Công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản vẫn chưa thực sự được chú trọng; chưa làm tốt việc dự báo, tham mưu chiến lược phòng, chống tội phạm; việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm chưa kịp thời, còn đùn đẩy, dẫn đến vẫn còn xảy ra một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng. Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ chiến sỹ thoái hóa, biến chất bao che, bảo kê cho tội phạm hoạt động.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm cần nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm, vai trò trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Toàn lực lượng cần đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng những mô hình có hiệu quả trong đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm. Chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục xây dựng quy chế, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong các khâu công tác nghiệp vụ cơ bản, điều tra…ở các cấp, các địa phương; tập trung đấu tranh, triệt phá các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, đặc biệt là 615 băng nhóm tội phạm có tổ chức trên toàn quốc; tham mưu tốt hơn cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong đó có cả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao vai trò của gia đình, xã hội trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ vững bình yên cho nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục