Trách nhiệm quản lý-truyền thông-doanh nghiệp về chống rác thải nhựa

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương.
Trách nhiệm quản lý-truyền thông-doanh nghiệp về chống rác thải nhựa ảnh 1Vớt rác thải nhựa trên sông. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam-Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và biển đảo 2019.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết Việt Nam hiện nay có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam mỗi năm phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn/năm.

Tuy vậy, việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Rác thải hiện chủ yếu được tập trung, xử lý tại các bãi rác và một phần trôi nổi ra biển.

Trước thực trạng này, Chính phủ từ lâu đã có những quan tâm và chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng những đề án, kế hoạch nhằm giảm lượng rác thải nhựa.

Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý rác thải nhựa hiện nay, đồng thời thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa, nhóm giải pháp đầu tiên là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về hạn chế sử dụng túi nylon, rác thải nhựa.

Nhóm giải pháp thứ hai là hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa.

Nhóm giải pháp thứ ba là tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong triển khai phong trào chống rác thải nhựa.

Đồng thời, cần tăng cường sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan thông tấn báo chí; phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các vật liệu mới thay thế cho việc sử dụng túi nylon.

[Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến thành lập Tổ chức tái chế bao bì]

Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương.

Chính phủ hiện đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng Kế hoạch) và Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vào ngày 17/6/2019.

Về trách nhiệm của công tác tuyên truyền, báo chí trong phong trào “Chống rác thải nhựa,” bà Ngyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết để cuộc vận động chống rác thải nhựa đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền cần tập trung vào nhiều nội dung khác nhau.

Cần chú trọng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chống chất thải nhựa, bảo vệ môi trường sống không chỉ trong hiện tại mà còn về lâu dài...

Báo chí cần tuyên truyền những chính sách của cả Trung ương và địa phương đối với việc bảo vệ môi trường; trong đó có chống rác thải nhựa; phản ánh sâu rộng sáng kiến của các địa phương trong phong trào chống rác thải nhựa.

Lương Kỳ Duyên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại sứ Đại dương Xanh 2019 chia sẻ: “Là Đại sứ Đại dương xanh, tôi hiểu rõ hơn trách nhiệm và sứ mệnh của mình với công cuộc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển đảo. Hiện tôi đang thực hiện dự án mang tên 'Cùng chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các trường đại học trên phạm vi cả nước.' Về nội dung dự án, tôi tập trung xây dựng tài liệu tuyên truyền về các biện pháp có thể áp dụng để giảm thói quen tiêu thụ tài nguyên và hướng dẫn các biện pháp phân loại, tái chế, tái sử dụng đối với chất thải rắn sinh hoạt và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần."

Theo ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam, ô nhiễm rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng ở Việt Nam hiện nay rất nan giải.

Ở góc độ doanh nghiệp chuyên nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải, phải xác định quy hoạch chuẩn ở từng tỉnh cũng như toàn quốc. Hiện có rất nhiều công nghệ trên thị trường, song cũng không ít công nghệ thất bại mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc phân loại rác thải. Do đó, cần có quy chế, chế tài, chính sách đồng bộ với quy hoạch và công nghệ.

Bên cạnh đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền tới quần chúng nhân dân. Đây là việc làm cần thiết và yêu cầu sự kiên trì, cần mẫn cũng như trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục