“Trăm bó đuốc mới mong bắt được ếch”

Lê Minh Sơn của thời tóc mọc lại và lần đầu tiên… để râu trông vẻ như “lì đòn” hơn, nhưng khi vào chuyện, anh lại kín kẽ hơn trước nhiều.
Lê Minh Sơn của thời tóc mọc lại và lần đầu tiên… để râu trông vẻ như “lì đòn” và “bặm trợn” hơn. Nhưng khi vào chuyện, anh lại tỏ ra gìn gữ và kín kẽ hơn trước rất nhiều.

Tiến độ ra bài báo này cũng được Sơn quan tâm hơn và nhất định đòi “kiểm duyệt”. Sơn cũng không thích có một “bàn tròn” về mình, trừ khi người ngồi ghế là Nguyễn Cường. Lý do của anh: “Giờ tôi già rồi! Không muốn ầm ĩ nữa.

Nghe nói anh lại sắp làm show?

Ừ, lại show, lấy được lịch rồi, hai đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội (24-25/10). “Ngũ khúc sông Hồng” - một sản phẩm ấp ủ bao lâu. Hai năm nay, tôi “nhịn” không ra gì, giờ muốn làm một cái cho tử tế. Một dự án chắc làm xong chết được!

Chẳng phải anh vừa làm “Nơi bình yên” cho Thanh Lam đấy thôi!

Ừ, thì đấy là album của Lam. Đây tôi nói, album cho riêng mình.

Anh vốn giỏi “đẻ dày” lắm cơ mà, vì sao vừa qua anh lại cần tới những hai năm?

Sáng tạo, tôi nghĩ, chắc nó có chu kỳ. Đi hết một chu kỳ của nó, là mình cần dừng lại để nhìn lại, lắng nghe...

Giống như cách một con thỏ vừa chạy vừa giỏng tai nghe xem thiên hạ đang kháo gì về mình?

Không. Không phải là lắng nghe khán giả, mà là lắng nghe mình. Lắng nghe mình mới là khó hơn cả!

Còn như khán giả, đến giờ này, dường như tôi đã xác định được khá rõ ai là những khán giả ruột của mình. Đó có thể là những người bỏ tiền mua đĩa, mua vé của tôi, nhưng cũng có thể có cả những khán giả không đủ tiền mua đĩa, mua vé. Số đấy, tôi nghĩ không nhiều, nhưng quan trọng, là đã ổn định.

Có phải anh từng nói: ở Việt Nam, sau Trần Tiến, chỉ có mỗi Lê Minh Sơn là biết ôm ghita đứng hát sáng tác của mình? “Của hiếm” như thế mà không giàu sức hút với khán giả sao?

Đâu, vớ vẩn, tôi dám “hỗn” như thế bao giờ? Tôi thì tôi lại thấy ở Việt Nam chỉ có mình ông Trần Tiến hát phô như thế, đàn chán như thế và... mồm thì vẩu như thế mà sao lại được khán giả mê đến thế!

Anh muốn nói làng nhạc có những “Xuân tóc đỏ”?

Không phải. Đấy là cái duyên, cái thần riêng có ở một người sáng tạo.

Còn anh, anh đàn hay hơn, hát đỡ phô hơn và cũng đẹp trai hơn, anh có thấy mình hơn được Trần Tiến?

Không thể.

Anh nghĩ anh thiếu gì?

Thời gian.

Anh có chắc là lúc này mình không còn máu chinh phục đám đông không?

Sao lại không còn? Nếu như không muốn nói chinh phục đám đông là khoái cảm số 1 của người làm nghệ thuật.

Nhưng một mặt, tôi lại vẫn muốn con đường mình đi không quá ồn ào. Muốn sự đồng cảm trong nghệ thuật phải là sự tinh lọc, “đường dài”. Còn sự tung hô của đám đông... Mà thực ra, có muốn cũng chả được! Nên tốt nhất, việc mình thì mình cứ làm thôi, ai đến được với mình thì đến, bằng không cũng chả trách họ được.

Một nhạc sĩ nói thế thì được, nhưng một nhà sản xuất thì liệu có nên thiếu riết róng thế không, khi cơm áo có đùa đâu, với show và đĩa?


Làm nghệ thuật đâu cứ phải riết róng là được! Nó cũng như đi câu. Thường con cá to lại hay câu được vào những ngày xấu trời, vào những lúc mình không ngờ mà được.

Từng có lúc, Thanh Lam cũng “đặt hàng” tôi là hãy cho cô ấy những bài dễ nghe, bông phèng, ai nghe cũng được hơn đi! Nhưng tôi nói tôi không làm được.

Vì nếu để kiếm tiền, thì có nhiều cách, nhưng đã làm nghệ thuật, thì phải cố mà đi cho trọn con đường mình đã chọn, phải lấy sự cực đoan mà nuôi sự kiên quyết.

Lịch sử âm nhạc cũng như hội họa thế giới từng cho thấy không ít tác phẩm để đời là được bắt đầu từ những đơn đặt hàng của các hầu tước, bá tước, của những yếu nhân có tiềm lực kinh tế...

Và vì vậy, nếu anh không có tiền, nhưng bù lại, anh thực tài, và anh hay, thì sớm hay muộn, anh cũng sẽ gặp được những người bạn có thể giúp anh thực hiện những ước mơ chưa có cánh, những cuộc chơi có văn hóa.

Tôi may mắn đã gặp được những người bạn như thế. Phần mình, thường thì tôi đặt mục tiêu: mỗi album một live show đính kèm. Còn thì chuyện đánh đông dẹp bắc, đi tỉnh..., ai chả phải làm. Riêng khoản tham công tiếc việc và năng lượng làm nghề thì tôi khỏi phải nói!

Chuyện, 5 năm 11 album và 7 live show cơ mà! Thảo nào có lúc cộng sự của anh phải lên báo than mệt, kêu chán là phải! Phần anh, anh có thấy chạnh lòng và thất vọng?

Ít khi tôi buồn vì những nỗi buồn người khác mang đến, mà thường buồn vì những gì mình không làm được. Và cuộc sống thì luôn là thế, có những điều làm được và không làm được, có những lúc thăng hoa thì cũng có những lúc chán nản. Chẳng sao cả! Chỉ sợ nhất trong nghệ thuật là sự chộp giật. Tình yêu chộp giật cũng đáng sợ vậy!

Cuộc sống hay ở chỗ, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Chỉ sợ, hai bánh xe đang cùng chạy mà một trong hai bánh muốn dừng lại thôi. Đứng im coi như chết!

Anh không nghĩ khi cộng sự của anh lên báo kêu chán, là biểu hiện của việc muốn dừng lại sao, là những gì anh đã dốc lòng dốc sức làm cho Lam, biết đâu đã không đáp ứng được hết những gì cô ấy từng kỳ vọng ở anh?  Và vì vậy, 5 năm biết đâu có thể là quá đủ?

Đấy là lần đầu Lam kêu chán trên báo, khiến công chúng có thể bị sốc. Nhưng với tôi, đấy lại không phải là lần đầu, càng không phải là chuyện quá khó hiểu và to tát. Không riêng gì cô ấy. Vả, có những mất mát còn lớn hơn nhiều! Thà chán kiểu đấy còn hơn “sướng quá hóa rồ”, suốt ngày lên báo khoe mông khoe ngực.

Tuy nhiên, nếu là tôi thì tôi không, vì làm người, ai mà chả có lúc thấy chán, thấy cô đơn. Vả, kêu thì cứ kêu thế thôi, cấm ai bỏ được nghề, một khi cái nghề nó đã kịp “di căn” vào máu. Bỏ nghề thì sống bằng gì?

Như tôi đây chẳng hạn, mất 16 năm học nhạc, quá muộn để bắt đầu một nghề khác! Dù đương nhiên, giữ gìn xúc cảm luôn là việc khó.

Trong đời thường đã khó, nữa là trong sáng tạo. Đồng ý, 5 năm có thể là quá dài, nhưng cũng có thể là chưa đủ, nếu tính đi đường dài. Có điều, “đường dài” ở đây chưa chắc đã là chuyện đi tiếp cùng nhau, mà có khi chỉ là sự âm thầm ngưỡng vọng nhau, tiếp tục trân trọng nhau, ngay cả khi đã rẽ làm hai ngả, đã có sự thay thế của những cộng sự mới.

Anh thì không thấy kêu chán, nhưng vẻ như lúc này ít “nổ” hơn thì phải?


Ai dám bảo tôi nổ, tôi nổ bao giờ? Chẳng qua là có những năm tôi làm nhiều thì thành ra... nói nhiều thôi.

Tôi chỉ nói chừng nào tôi thấy mình làm được. Còn như hai năm qua tôi không nói, đơn giản là vì tôi không làm, tôi chưa làm xong, thế thôi. Nhà thơ Lê Đạt chẳng bảo thế sao (đại ý): Tuổi trẻ phải để họ nói, nói xong mới làm được. Cứ im im không nói thì chẳng hóa là ông cụ non à? Nói xong họ mới im lặng được. Trong lúc im lặng, họ sẽ tìm ra cái mới...

Nghe nói gần đây anh khoái đi câu? “Thiền” kiểu đấy, anh thấy mình đang đứng im hay vận động?

Tôi thấy ngồi câu cũng như đang sáng tác. Cũng lủi thủi một thân một mình, lụi hụi cắm mồi, thả câu.

Và kết quả thì mơ hồ hết sức, không biết con cá ở đằng kia to hay bé, và kể cả là cá to đi nữa thì chắc gì đã thơm thịt...

Làm nghệ thuật ở ta cũng vậy, không có gì là chắc thắng cả. Sáng tác cũng thế, trăm bó đuốc mới mong bắt được một con ếch! Và tôi được cái đức là thấy “ếch lởm” là tôi quăng đi ngay, quyết không  ho nó cơ hội sống.

“Ếch” hiếm vậy mà sao 5 năm qua vẫn thấy anh đẻ album sòn sòn? Tốn bao nhiêu “đuốc” đã đành, nhưng liệu anh có chắc, trong số anh “cho nó cơ hội sống”, không có những con “ếch lởm”?

Tôi chắc chứ, cái gì viết xong là đã biết ngay nó hay hay dở. Và hễ thấy dở là tôi vứt ngay. Để được một bài hay, lắm khi phải vứt đi rất nhiều bài dở. Nhưng một mặt, cũng không thể ngồi chờ sung rụng chỉ để chắc rằng đúng là sung đã chín.

Nếu cho làm lại, anh có tính “đẻ dày” như thế?

Trong từ điển của tôi không bao giờ có từ “nếu mà, biết thế, giá như, giả sử...” nhé, nên tôi không thấy cần phải trả lời câu hỏi này.

Nhưng anh có công nhận "đẻ" như thế là dày quá?

Tôi lại thấy tôi chỉ mới làm được 1/2.

Có so sánh: diva tầm cỡ thế giới mà có khi 1-2 năm mới dám ra một album. Thận trọng là thế, đây anh và Lam…?

Đừng bao giờ lấy chuyện bên Tây áp vào Việt Nam. Muốn xem người Việt Nam thế nào thì hãy... nhìn người Việt Nam đi đường là biết! Hãy giải quyết chuyện giao thông đi đã rồi hãy nói chuyện âm nhạc, nghệ thuật...

Anh nói chuyện quê thì hay mà nói chuyện “Tây - Ta” thì…khó hiểu nhỉ?

Mỗi đất nước có những vấn đề riêng của nó, không áp đặt, so sánh được - ý tôi là thế!

Trong 5 năm cộng tác cùng diva số 1, anh thấy tự hào nhất là đã làm được điều gì?

Tôi tự hào nhất là làm được một album được... cả nước chửi. Album gì ấy nhỉ?

“Này em có nhớ”.

Thảo nào anh nhớ lâu thế! Cái tự hào của “kẻ đốt đền” à?

Chỉ có tôi, Thanh Lam, Trần Mạnh Hùng (phối khí) mới dám phá cách nhạc Trịnh như thế! Có những sáng tạo của cộng sự làm tôi sướng đến chảy nước mắt.

“Fan” nhạc Trịnh bảo: “Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau” đấy!

Một album hay có thể cũng như một người đàn ông hay chăng: có khi phải ít chỉn chu và được ít nguời hiểu, người thích...

Anh có thấy nhạc của mình khó “Nam tiến” vì anh Bắc Bộ quá, tư duy hình ảnh cũng như ca từ?

Thì thế các cụ nhà mình mới có câu: “Đất có thổ công, sông có hà bá”!

Vì sao kỳ này không thấy anh mặn mà nữa với “Bài hát Việt”? Áp lực của người từng giành ngôi vị quán quân sao?

Sao nhỉ? “Bài hát Việt” là một người rất tốt bụng, nhưng biết đâu trong tình yêu, người đàn bà lại không thể yêu mãi một người đàn ông quá tốt bụng!

Vì sao anh quyết định nuôi tóc trở lại?

Vì khi “xuống tóc”, tôi sướng vì trút bỏ được một gánh nặng thì lại khổ vì không ngờ khán giả lại có nhiều người quan tâm đến một thứ không đáng quan tâm như vậy ở tôi.

Tôi nuôi tóc trở lại vì không muốn làm mất đi hình ảnh của mình trong mắt khán giả./.
(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục