Trần Ly Ly đưa tư tưởng Phật giáo lên sân khấu múa đương đại

Biên đạo múa Trần Ly Ly bảo, đến với liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á-Âu 2015”, chị và êkíp mang tinh thần “chơi hết mình trong một cuộc chơi chung.”
Trần Ly Ly đưa tư tưởng Phật giáo lên sân khấu múa đương đại ảnh 1“Có có không không” sẽ được trình diễn vào lúc 20 giờ (ngày 4/10) tại Hà Nội trong khuôn khổ liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á-Âu 2015.” (Ảnh: BTC)

Đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam, biên đạo múa Trần Ly Ly và êkíp của chị sẽ đưa tới liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á-Âu 2015” vở múa “Có có không không” - một tác phẩm mang đậm tư tưởng Phật giáo.

“Có có không không” sẽ được trình diễn vào lúc 20 giờ (ngày 4/10) tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).

Tác phẩm là câu chuyện về xã hội đương đại - một thế giới với những con người “quay cuồng” cùng các thiết bị kỹ thuật số, sống gấp và không quan tâm đến chính cả bản thân mình.

Từ sáng đến tối, cuộc sống của thị dân dường như không tách khỏi những thiết bị cầm tay thông minh. Những nguồn thông tin đến từ đó len lỏi vào từng lát cắt của đời sống; con người có thể đọc nhiều hơn nhưng nông hơn.

Giữa cuộc nhiễu loạn ấy, thiền là cách để người ta sống chậm lại, đối diện với chính mình và nhìn ra xung quanh với sự tĩnh lặng, lắng sâu. Đây cũng chính là thông điệp mà “Có có không không” muốn truyền tải tới khán giả.

“Trong cuộc sống, con người luôn đau khổ do không kiểm soát được cảm xúc, tình cảm của chính mình. Tôi muốn đưa vào tác phẩm tư tưởng ‘sắc sắc không không’ của Phật giáo: cái có mà như không, cái không mà như có, cái có rồi cũng mất đi, cái mất đi rồi sẽ lại có… Những trạng thái ‘có’ và ‘không’ ấy biến đổi liên tục theo tâm lý con người,” biên đạo múa Trần Ly Ly chia sẻ.

Trần Ly Ly không lựa chọn những diễn viên được đào tạo bài bản trình diễn “Có có không không.” Thay vào đó là những gương mặt mới của múa đương đại Việt Nam: Nguyễn Duy Thành, Đặng Minh Hiền, Hoàng Thái Sơn...

Trần Ly Ly đưa tư tưởng Phật giáo lên sân khấu múa đương đại ảnh 2Biên đạo múa Trần Ly Ly. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lý giải cho sự “liều lĩnh” này, Trần Ly Ly bảo, đến với liên hoan, chị và êkíp mang tinh thần “chơi hết mình trong một cuộc chơi chung.” Chị muốn để những người trẻ có đam mê thực sự với bộ môn nghệ thuật còn khá mới ở Việt Nam cơ hội được làm việc, giao lưu cùng các nghệ sỹ lớn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới trong một môi trường chuyên nghiệp.

“Có một thực tế là, ở phương Tây, người ta không đặt nặng vấn đề nghệ sỹ trình diễn bắt buộc khởi đầu phải là diễn viên múa chuyên nghiệp. Xuất phát, anh có thể là một ca sỹ, một người viết văn hay thậm chí là người nghiên cứu khoa học… nhưng nếu có tư duy, năng khiếu và sự say mê thực sự với bộ môn nghệ thuật này thì anh hoàn toàn có thể trở thành một nghệ sỹ múa đương đại thành công,” Trần Ly Ly chia sẻ.

Bàn về thực trạng múa đương đại Việt Nam, biên đạo Trần Ly Ly cho rằng, ở Việt Nam, múa đương đại phát triển chưa tốt. Nó cần phải bùng lên, phải phá ra mạnh mẽ hơn nữa.

“Không chỉ có vậy, loại hình nghệ thuật này cần sự kết nối của các nghệ sỹ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một mình kỹ thuật múa không đủ để truyền tải được ý niệm phía sau bởi múa đương đại là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi người xem phải suy ngẫm. Những gì nhìn thấy trên sân khấu chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Cái thú vị nằm ở chính sự suy ngẫm đó.”

Trần Ly Ly cho rằng, hiện nay, sự kết nối của các nghệ sỹ Việt ở các lĩnh vực khác nhau chưa tốt. “Họ biết nhau đấy nhưng chưa cùng làm việc với nhau. Có khi, họ ghét nhau, thù nhau lại là điều hay hơn trạng thái không kết nối. Tất nhiên, đó không phải là lòng thù hận giữa người với người do những ganh ghét, tỵ hiềm trong đời sống xã hội mà là sự khác biệt về quan điểm nghệ thuật. Sự khác biệt này sẽ hình thành nên khao khát tìm ra cái mới.” Nói rồi, Trần Ly Ly nháy mắt đầy ẩn ý.

Nữ biên đạo bảo, đây cũng là hành trình đi tìm cái đẹp. Nó thách thức và khiến những người làm nghề thực sự thường sống với một sự dằn vặt, đau khổ.

Trần Ly Ly đưa tư tưởng Phật giáo lên sân khấu múa đương đại ảnh 3Liên hoan múa đương đại "Sự gặp gỡ Á-Âu 2015" diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: BTC)

“Biết là khổ đấy mà vẫn cứ lao vào! Đó là bởi cái nghiệp. Trong quá trình dàn dựng, các nghệ sỹ vẫn hỏi nhau ‘Tác phẩm đến đâu rồi?’ và câu trả lời thường là ‘đang đi tìm.’ Chính sự đang đi tìm đó là quá trình đẹp đẽ nhất. Còn nếu ai đó nói ‘tác phẩm của tôi tuyệt vời, đang tốt lắm’ thì rất khó để chờ đợi một tác phẩm thực sự,” biên đạo múa thuộc thế hệ 7X ấy chia sẻ./.

Liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á-Âu 2015” diễn ra từ ngày 1-4/10 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình có sự tham dự của các đoàn nghệ thuật đến từ 5 quốc gia (Đức, Bỉ, Israel, Nhật Bản, Ba Lan) và nước chủ nhà Việt Nam.

Liên hoan là sự kiện được tổ chức thường niên (từ năm 2011) bởi Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu tại Hà Nội (EUNIC) và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Năm nay, Viện Goethe Hà Nội giữ vai trò là đơn vị điều phối liên hoan.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục