Trận Waterloo của Thủ tướng Anh Johnson trong cuộc chiến Brexit

Vấn đề Brexit đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng gia tăng ở một đất nước mà ông Johnson đang "đấu" với Hạ viện về đề nghị bầu cử sớm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại số 10 phố Downing, London, ngày 29/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại số 10 phố Downing, London, ngày 29/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo AFP, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/10 đã nhất trí trì hoãn quá trình Anh rời EU (còn gọi là Brexit) thêm ba tháng cho đến ngày 31/1/2020 với khả năng tiến hành sớm việc chia ly nếu Quốc hội đầy mâu thuẫn của Anh thông qua thỏa thuận.

Nhìn nhận về vấn đề Brexit hiện nay, trang mạng tờ Wall Street Journal bình luận ông Jonson như đang lao vào trận chiến Waterloo.

Trong một bình luận của hãng tin Reuters, hơn ba năm sau khi Anh bỏ phiếu rời EU, chính phủ và quốc hội nước này vẫn chia rẽ về cách thức, thời điểm và thậm chí là liệu có nên rời EU nữa hay không. Vấn đề Brexit đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng gia tăng ở một đất nước mà Thủ tướng Anh Johnson đang đấu với Hạ viện về đề nghị bầu cử sớm.

Đối với EU, việc để mất một thành viên chưa từng có tiền lệ này là một sự thất bại mang tính lịch sử. Cả 27 nước thành viên còn lại cũng mệt mỏi với cuộc chia ly khó khăn này, vốn tiêu hao thời gian, năng lượng và vốn liếng chính trị đãng nhẽ được huy động để kích thích tăng trưởng kinh tế và giải quyết những thách thức, bao gồm thách thức an ninh.

Gia hạn kèm “cửa phụ” cho Brexit

Bình luận trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết: "27 nước thành viên EU đã nhất trí chấp thuận yêu cầu của Anh về việc gia hạn Brexit cho đến ngày 31/1/2020."

Theo trang mạng tờ The Guardian, ý tưởng thời hạn chót cho Anh vào ngày 15/11 do Pháp đề xuất đã không được ghi vào tài liệu. Để đạt được sự nhất trí này, ông Donald Tusk đã có các cuộc thảo luận tập trung và sâu sắc với lãnh đạo Anh vào cuối tuần qua.

Trước đây, trong số các nước còn lại của EU, Pháp đã cản trở khối đạt được quyết định về việc trì hoãn. Vì vậy, việc 27 nước thành viên EU đạt được sự nhất trí nói trên cho thấy ông Donald Tusk đã thuyết phục được lãnh đạo các nước, đặc biệt là Pháp, rằng việc gia hạn ba tháng sẽ giúp EU tránh bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi trong nước của Anh.

Tờ The Guardian dẫn lời một giới chức Pháp giấu tên giải thích rằng điều thuyết phục Paris từ bỏ sự phản đối của họ đối với lịch trình trì hoãn mới này là “khả năng diễn ra cuộc bầu cử mới ở Anh ngày càng có thể xảy ra hơn khi được hậu thuẫn bởi một số đảng chính trị đối lập ở Anh, trong đó có đảng Dân chủ Tự do và đảng Quốc gia Scotish."

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao EU cho biết sự trì hoãn Brexit lần thứ ba này sẽ đi kèm với những thời hạn khác mà Anh có thể rời khối sớm hơn ngày 31/1/2020 nếu Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit. Theo đó, giới ngoại giao EU nói rằng Anh có thể rời EU vào ngày 1/12/2019 hoặc 1/1/2020 nếu Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận vào tháng 11 hoặc tháng 12.

Trận Waterloo của Thủ tướng Anh Johnson trong cuộc chiến Brexit ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trong cuộc gặp tại New York, Mỹ, ngày 23/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

"Tìm kiếm mọi lựa chọn”

Quyết định của Brussels gia hạn thêm ba tháng đối với Brexit được đưa ra giữa lúc Anh thảo luận cách thức sử dụng bất kỳ sự gia hạn tiềm năng nào để phá vỡ thế bế tắc tại Quốc hội.

Theo Reuters, Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson ngày 27/10 đã gia tăng sức ép đối với các nghị sĩ Anh nhằm ủng hộ cuộc bầu cử sớm nhằm phá vỡ thế bế tắc Brexit trong vòng ba năm qua sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời EU.

["Canh bạc" bầu cử sớm của Thủ tướng Anh Boris Johnson]

BBC cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến ngày 28/10 đệ trình bản kiến nghị kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 12/12, một động thái cần sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ để thành công.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do và đảng Quốc gia Scottish muốn cuộc bầu cử này diễn ra vào ngày 9/12 miễn là thời hạn chót của Brexit được mở rộng đến ngày 31/1/2010. Nghị sỹ đảng Bảo thủ James Cleverly đã bác bỏ kế hoạch này, coi đó là “một trò bịp” và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn gọi động thái này là “trò nguy hiểm." Tuy nhiên, một nguồn tin từ Chính phủ Anh tiết lộ rằng London sẽ “tìm kiếm mọi lựa chọn” bao gồm cả những đề xuất do các đảng chính trị đối lập đưa ra.

Trận Waterloo của Thủ tướng Anh Johnson trong cuộc chiến Brexit ảnh 2Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Quốc hội Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Trận Waterloo” của Boris Johnson

Bình luận về tình hình Brexit hiện nay, trang mạng tờ Wall Street Journal đã ví von đây là lúc ông Boris Johnson dẫn dắt London bước vào một trận chiến Waterloo về Brexit. Waterloo là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất và cũng là dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoleon. Đại quân Pháp dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Napoleon I đã bị đánh bại bởi liên quân gồm Anh và đồng minh. Thất bại ở trận đánh này đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị Hoàng đế Pháp của Napoleon.

Ở đây, với Brexit, Boris Johnson cuối cùng đối mặt với “trận đánh Waterloo." Trận chiến của Johnson sẽ không phải là trên con đường đi đến Brussels như Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte đã từng làm như vậy, mà là trên con đường vốn dẫn đến các phòng bỏ phiếu và trở lại Hạ viện Anh.

Napoleon có thể dựa vào lòng trung thành của các cận vệ còn Johnson thì có ít hơn.

Chính phủ thiểu số của ông bị kìm kẹp ở Quốc hội bởi một đại liên minh các đảng phái chống lại Brexit, bao gồm những nghị sĩ đào tẩu khỏi đảng Bảo thủ vốn là những người ngăn chặn thỏa thuận của ông với EU.

Mặc dù chỉ cách đây sáu tuần, ông Johnson còn khăng khăng nói rằng ông sẽ “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” chứ thà không chịu gia hạn quá trình đàm phán Brexit, song các nghị sỹ Quốc hội Anh đã buộc ông phải yêu cầu Brussels gia hạn Brexit và đã hai lần cản trở ông tập hợp được các lực lượng mới ở Quốc hội bằng cách tiến hành cuộc tổng tuyển cử mới.

Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn khẳng định rằng sự trì hoãn này là nhằm đem lại điều tốt đẹp cho đất nước. Người Anh cũng nói y như vậy đối với Napoleon khi họ đày ải ông đến đảo Elba. Thế rồi Napoleon đã trốn thoát và chạy trốn đến Brussels, thì ông Johnson hiện cũng cố gắng làm điều tương tự.

Hôm 24/10, ông Johnson tuyên bố sẽ kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 12/12. Ngạn ngữ có câu: "Lùi một bước để tiến hai bước." Ông Johnson có thể đã thua cuộc trong phần lớn các cuộc tranh cãi và xung đột gần đây, song ông đã cố gắng làm một điều tốt hơn so với người tiền nhiệm Theresa May bằng cách thúc đẩy những nền móng luật pháp cho Brexit khi đối đầu với Hạ viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục