Tranh cãi chuyện rùa

Tranh cãi chuyện coi rùa Hồ Gươm là... động vật

Phải cứu bằng mọi cách song có nên thần thánh hóa đến mức không thể coi rùa Hồ Gươm là... động vật? Có vô số bình luận khác nhau.
Sau khi Vietnam+ đăng tải bài "Chuyện 'cụ' rùa: Đừng 'thực tế hoá' truyền thuyết", đã có nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến, cũng có những bình luận gửi qua những tờ báo hoặc trang điện tử đã dẫn lại bài nêu trên, kể cả từ một trang đặt lại tít "Cụ rùa già, cụ chết là chuyện bình thường!" khiến nhiều người chỉ lướt tít đã bình luận "như mưa." Để rộng đường dư luận và theo dòng sự kiện chúng tôi xin nêu lại một số bình luận để bạn đọc cùng chia sẻ thông tin. Từ những lời ủng hộ... Bạn đọc Trần Tuấn nhận xét về nội dung bài báo: “Một cách đặt vấn đề đúng mức, khách quan.”  Còn bạn đọc Trần Văn Thập đã viết: “Rất cám ơn tiến sĩ Vũ Thế Long. Quy luật sinh tồn là hiện hữu, trước khi có nhiều chuyện rùm lên rất tiếc là Tiến sĩ không nêu các vấn đề này sớm hơn. Chuyện rùa nổi lên là do ô nhiễm (váng nước bên trên là rõ còn ở phía dưới thì chắc kinh khủng hơn), ngoài ra còn do tập tính của mỗi loài, mỗi cá thể riêng, gán cho sự kiện này nọ để huyễn hoặc, thực tế hóa truyền thuyết, rồi cụ này, cụ nọ - Rất sai lệch mà chưa có ai lên tiếng.” Độc giả Phan Việt Lâm nhận định: “Tiến sĩ Vũ Thế Long đã nói ra những điều ít người dám nói, theo cái cách rất riêng. Có vẻ như táo tợn và báng bổ đối với những người đánh đồng truyền thuyết và thực tế. Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng dễ nghe và làm hài lòng tất cả mọi người. Theo tôi, việc ấy bổ ích và thiết thực hơn những lời dông dài mang nặng cảm tính và suy diễn tâm linh. Sau này, khi hồ lại trong xanh và rùa lại khỏe, ta có thể lại dạo chơi bên hồ rồi tiếp tục làm thơ và viết nên các huyền thoại mới.” Bạn đọc Quang Hà đưa ra ý kiến: "Tôi hoàn toàn đồng ý với Tiến sỹ Vũ Thế Long. Việc cụ rùa huyền thọai với con rùa già rất khác nhau, khác hẳn! Những ai cho rằng đây là 'Cụ rùa tâm linh' là không am hiểu về lịch sử, về tự nhiên học; hoặc họ rất bịp bợm, nói theo ăn theo và là những kẻ cơ hội. "Hàng ngàn người đang đói rét sau thiên tai lụt lội không thấy nói, bây giờ thấy con rùa già sắp chết lại làm ra vẻ cần cứu như là nguy hại đến an ninh quốc gia. Tất nhiên, con rùa từng sống lâu năm tại Hồ Hoàn Kiếm đã được nhân dân yêu quý. Nếu rùa bị bệnh sẽ phải được cứu chữa. "Nhưng không phải vì thế mà rất nhiều cuộc hội họp lập ra, rất nhiều người gọi là chuyên gia nghiên cứu tập trung vào giải quyết, rồi báo chí lại tập trung dư luận nữa... Ai đó thử tính xem đã và sẽ phải chi phí hết bao nhiêu tiền cho việc cứu chữa cho rùa Hồ Gươm? Thử tính xem có bao nhiêu người ăn theo rùa Hồ Gươm?" Và đây là bình luận của một người có tên Nhat Dinh: "Sao báo chí không phỏng vấn tiến sĩ Vũ Thế Long sớm hơn để mọi người hiểu vấn đề. Thật là không hiểu nổi khi có người đếm số lần nổi lên trong năm của một động vật thở bằng phổi! Việc nạo vét hồ Gươm là việc cần làm chẳng riêng gì cho cụ rùa. Còn cứu được cụ bằng cách đưa vào hồi sức cấp cứu cũng chỉ thêm được vài năm nữa thôi. Hãy cố bảo vệ những cá thể rùa khác còn khỏe mạnh để duy trì gen." Và bạn đọc Đỗ Xuân Tường viết: "Tôi trông chờ bao lâu nay đến hôm nay mới có bài viết rất là hay. Tôi chân thành cảm ơn tác giả. Chỉ có con rùa mà tốn bao giấy mực, tiền của thì tôi thấy vô lý quá. Hiện giờ tới quán ăn nhậu nào tôi cũng thấy toàn là đặc sản rùa và baba, thử hỏi có mấy ai là không ăn như vậy thì còn gì là linh thiêng nữa chứ!? Tôi mong cơ quan chức năng dùng số tiền đó làm sạch ô nhiễm nguồn nước để cho chính chúng ta khỏi phải chết sớm thì đúng hơn..." Cùng quan điểm, người đọc Nguyen Hung khẳng định: "Tôi hoàn toàn thống nhất với ý kiến của tiến sĩ Vũ Thế Long. Truyền thuyết và lịch sử là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau, không nên 'chuyển thể' truyền thuyết thành lịch sử!" Bạn đọc Hiền Nguyễn viết: "Tôi có đọc qua các bình luận của nhiều độc giả ở đây, và nhận thấy có hai xu hướng chính: - Đồng ý với tiến sĩ Vũ Thế Long; và cố tình hiểu sai, xuyên tạc ý kiến của tiến sĩ Vũ Thế Long, dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ để lái câu chuyện sang hướng khác. "Ở đây có mấy sự ngụy biện như sau: thứ nhất, đánh đồng con rùa ở Hồ Gươm với một con người. Tôi hoàn toàn không đồng ý chuyện này. Con rùa ở hồ Gươm là một con vật. Là một sinh vật quý hiếm cần được bảo vệ, nhưng vẫn là một con vật. Người ta đang nói tới một con rùa, tự dưng các bạn lôi cụ già hay người bệnh ra đây làm gì? "Thứ hai, hiểu sai ý của tiến sĩ Long thành "bỏ mặc rùa Hồ Gươm không cứu chữa." Đọc kỹ bài phỏng vấn, có thể thấy ý của ông là, chỉ nên đối xử với rùa hồ Gươm như một sinh vật quý hiếm cần được bảo tồn, chứ không nên coi nó như một hiện tượng thần bí, gắn với các sự kiện quan trọng, không nên mê tín dị đoan."
...đến những ý kiến bất bình
Có một số ít bình luận phản đối quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thế long nhưng là những lời khiếm nhã và không đưa ra ý kiến nghiêm chỉnh nên chúng tôi không dẫn ra. Dưới đây là những bình luận ít nhiều thể hiện cái tâm của người nêu nhận xét về sự việc. Độc giả Bùi Văn Xương gửi bình luận: “Thưa ông tiến sĩ Long và thưa các bạn: Người dân Hà Nội và cả nước rất muốn khẩn cấp cứu chữa cụ rùa không phải vì người ta mê tín, không phải vì người ta hy vọng những phép màu mà rùa mang lại. Đơn giản vì người ta quý trọng lịch sử, quý trọng văn hóa dân tộc, kính trọng cha ông.” Bạn Vũ Tuấn Anh viết: "Khi những người như tôi đang bảo vệ cho cụ rùa không phải là một con rùa bình thường mà đó là đang bảo vệ và duy trì một phần của văn hóa Việt Nam, một phần của những điều làm cho người Việt Nam tồn tại phát triển và không bị hòa tan trong thế giới phẳng ngày hôm nay!" Từ độc giả Lê Quang Chánh: "Tôi không đồng ý với ý kiến của tác giả, đó chỉ là lời ngụy biện cho việc nhỡ may không cứu chữa được cụ rùa." Với cách nhìn khác, bạn đọc Đào Thanh Mộng bình luận: "Theo tôi, lý do chính mà cụ rùa thường xuyên xuất hiện chính là dấu hiệu của sự báo động về văn hóa, về ý thức của người Việt Nam. Hay đặt mình ở vị trí của cụ rùa mà nghĩ xem, cụ đã sống với dân tộc Việt Nam hàng bao thế hệ, đã thấy đất nước chúng ta đi từng những thăng trầm này đến vinh quang khác, cụ hiện lên nhưng một lời cảnh tỉnh dân tộc Việt Nam. "Thế mà giờ đây, tiến sĩ Vũ Thế Long lại có thể sử dụng khoa học làm công cụ tẩy chay những giá trị đích thực của cụ rùa. Thử hỏi, làm sao cụ không buồn cho được. Là một người con của dân tộc Việt Nam, con xin gửi lời chúc cụ sớm khỏe mạnh và mong dân tộc Việt Nam nghĩ đúng giá trị mà cụ rùa mang lại"./.

                                         Tiến sĩ Vũ Thế Long tham gia bình luận:

Tôi cảm ơn mọi đóng góp khen chê của các bạn qua đọc bài phỏng vấn của Vietnam+ với tôi. Bởi là người có nghiên cứu về khảo cổ học động vật và đã có trong tay nhiều mẫu vật tương tự như rùa ở hồ Hoàn Kiếm thu được trong nhiều di chỉ khảo cổ học ở đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta nên phóng viên hỏi, tôi trả lời chân thực chứ không tự viết ra.

Có nhiều bạn bất bình, thậm chí phê bình tôi rất nặng lời, có thể vì cái đầu đề của một tờ báo gây cho bạn một ấn tượng thật khó chịu: rằng tôi báng bổ lịch sử, cha ông. Thậm chí coi tôi như bắn súng vào quá khứ. Tôi không giận mà rất thông cảm. Tôi hiểu rằng hiện tại có biết bao nhiêu người Việt Nam ta luôn vô cùng tôn kính giá trị lịch sử của dân tộc.

Để cùng thảo luận cho sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến chữa bệnh cho rùa, tôi xin nêu mấy câu hỏi sau:

1. Làm thế nào để xác định loài rùa lớn này có mấy con trong hồ Hoàn Kiếm? Xin chứng minh bằng thực tiễn khoa học.

 2. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng rùa bị thương hiện nay: do bị cọ mai vào hai đoạn cáp điện to bằng cổ tay từ bờ nối trên mặt nước ra đảo Ngọc Sơn? Do cọ vào bêtông, vật cứng dưới đáy? Do bị rùa tai đỏ tấn công? Do ô nhiễm nước.. Bằng chứng nào cho các giả thuyết trên. Xin chứng minh.

3. Bệnh của rùa mắc phải là bệnh gì?  Nhiễm trùng? Bị thương phần mềm? Già yếu? Xác định cho rõ. Đã khám nghiệm chưa?...

4. Nếu chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, chấn thương thì làm sao đề ra giải pháp chữa bệnh? Phòng bệnh?

5. Giải pháp chữa bệnh như đang làm dựa trên nguyên tắc nào vì bệnh gì chưa rõ, nguyên nhân ra sao chưa rõ thì làm sao có thể có biện pháp chữa trị đúng dược?

6. Vì sao chữa bệnh cho rùa lại tính toán trong khoảng thời gian 100 ngày thì chữa khỏi? Dựa trên cơ sở nào mà có dự tính về thời gian điều trị như vậy một khi chưa xác định được các căn nguyên như đã nói ở trên.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục