Tranh cãi về 600 tỷ USD

Tranh cãi gia tăng về kế hoạch bơm tiền của FED

Nhiều quan chức tài chính Mỹ lo ngại kế hoạch bơm tiền của FED không thu được hiệu quả mong muốn mà có thể gây ra lạm phát phi mã.
Chính sách bơm tiền để thúc đẩy kinh tế mà Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa khôi phục đang gây nhiều tranh cãi.

Chính các quan chức trong thể chế tài chính này, những người từng ủng hộ kế hoạch bơm tiền của FED, cũng lo ngại biện pháp kích thích trên không thu được hiệu quả như mong muốn.

Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội các thị trường tài chính và chứng khoán diễn ra ở New York, Mỹ, ngày 8/11, Kevin Warsh - một ủy viên của FED từng bỏ phiếu ủng hộ chương trình bơm tiền trên - cảnh báo 600 tỷ USD mà FED bỏ ra để mua các khoản nợ của Bộ Tài chính có thể gây ra những nguy cơ lớn, như lạm phát phi mã về sau này.

Theo ông Warsh, FED có thể phải xem xét lại kế hoạch này nếu đồng USD tiếp tục giảm giá hoặc giá hàng hóa tiếp tục tăng, khiến lạm phát tăng. Ông cũng kiến nghị Quốc hội cải cách mã thuế để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, coi đây là cách tiếp cận hiệu quả hơn nhiều trong mục tiêu kích thích kinh tế tăng trưởng.

Trong khi đó, James Bullard, đại diện FED tại St. Louis, và Thomas Hoenig, đại diện FED tại Kanas City, cũng thừa nhận chương trình 600 tỷ của FED sẽ khiến lạm phát tăng cao.

Đại diện FED tại Dallas Rechard Fisher còn cho rằng biện pháp của FED chẳng khác nào in tiền để trả các khoản nợ của chính phủ.

Kế hoạch bơm tiền của FED được công bố hồi tuần trước nhằm giảm lãi suất cho vay, kích thích các khoản vay và chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, FED cũng để ngỏ khả năng ngừng các khoản mua nếu kinh tế tăng trưởng hơn dự kiến hoặc lạm phát phi mã trở thành một nguy cơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục