Tranh cãi giữa Qatar, Bahrain liên quan đến vụ bắt giữ 15 tàu cá

Ngày 19/9, Qatar cáo buộc Bahrain lợi dụng một vụ thực thi pháp luật trên biển thông thường để làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Doha và các láng giềng vùng Vịnh.
Tranh cãi giữa Qatar, Bahrain liên quan đến vụ bắt giữ 15 tàu cá ảnh 1Qatar căng thẳng với Bahrain liên quan đến tàu cá. (Nguồn: Visitqatar.qa)

Ngày 19/9, Qatar cáo buộc Bahrain lợi dụng một vụ thực thi pháp luật trên biển thông thường để làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Doha và các láng giềng vùng Vịnh.

Hãng tin QNA dẫn lời quan chức Qatar chỉ trích tuyên bố của Bộ Nội vụ Bahrain liên quan đến vụ bắt giữ 15 tàu chở 20 thủy thủ của nước này. Doha nêu rõ 20 thủy thủ sẽ được thả trong vòng 3 ngày tới trong khi tòa án sẽ phán quyết về những con tàu trên.

Qatar cũng cho biết Bộ An ninh Bờ biển và Biên giới nước này đã liên tục cảnh báo những người đánh cá không hoạt động ở các vùng biển của Qatar và không sử dụng các phương pháp đánh cá gây hại.

Trước đó, Bộ Nội vụ Bahrain nói rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Qatar đã bắt giữ 15 tàu đánh cá Bahrain với lí do hoạt động bất hợp pháp trong lãnh hải của Qatar.

Qatar và Bahrain từ lâu tranh chấp lãnh hải tại vùng biển với nhiều đảo nhỏ nằm giữa bán đảo Qatar và quốc đảo Bahrain. Vụ tranh chấp này đã được giải quyết bằng phán quyết năm 2001 của Tòa Công lý Quốc tế.

[Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh khiến nhiều nước tổn thất kinh tế]

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bùng phát từ đầu tháng 6 vừa qua khi những nước Arab này đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar kèm cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. Tuy nhiên, Chính phủ Qatar đã cực lực phủ nhận cáo buộc này.

Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia tại vùng Vịnh.

Kuwait đang nỗ lực làm trung gian hòa giải, nhưng căng thẳng vẫn chưa có lối thoát do các bên không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ. Hồi tháng 8 vừa qua, Kuwait đã đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo của tất cả các quốc gia liên quan, song sáng kiến này đã không nhận được ủng hộ.

Trước đó, ngày 18/9, căng thẳng tiếp tục có nguy cơ leo thang khi công ty công nghệ và truyền thông mạng xã hội Snap Inc. thông báo sẽ ngừng chia sẻ các tin tức từ kênh truyền hình al-Jazeera của Qatar tại Saudi Arabia, theo yêu cầu của giới chức nước sở tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục