Tranh cãi quanh chương trình mua trái phiếu của ECB

Tuần qua là tuần thứ 24 liên tiếp Ngân hàng Trung ương châu Âu không mua trái phiếu dù có nhiều đồn đoán xung quanh việc này.
Dù có nhiều đồn đoán rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm nối lại chương trình mua trái phiếu của các nước đang gặp khó khăn trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), song điều này vẫn chưa diễn ra khi tuần qua là tuần thứ 24 liên tiếp ECB không mua trái phiếu.

Sau một trong những cuộc họp chính sách được cho là nóng nhất của ECB vào đầu tháng Tám, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết ngân hàng này có thể tiếp tục mua một lượng trái phiếu đủ để hạ chi phí vay mượn của Tây Ban Nha và Italy, song trách nhiệm giải quyết khủng hoảng nợ sẽ chủ yếu thuộc về các chính phủ.

Ông Draghi được trông đợi sẽ công bố các chi tiết của chương trình mua trái phiếu sau cuộc họp vào ngày 6/9 này.

ECB đã khởi động việc mua trái phiếu theo Chương trình thị trường chứng khoán (SMP) vào năm 2010 để giúp đỡ các nước nợ nần chồng chất đang gặp khó khăn trong việc huy động tiền vay trên các thị trường vốn.

Sau khi dừng trong thời gian từ tháng 1-8/2011, ECB đã tiếp tục chương trình kể trên khi những căng thẳng trên thị trường đã buộc Italy và Tây Ban Nha phải đi vay với mức lãi suất cao "không thể chịu đựng được."

Cho đến nay, ECB đã mua tổng cộng 208,5 tỷ euro trái phiếu của Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha.

Có thời điểm, ECB đã mua tới 22 tỷ euro trái phiếu chỉ trong một tuần như là một phần của chương trình trên. Tuy nhiên, SMP lại bị dừng lại từ tháng Hai năm nay, sau khi ECB tiến hành hai đợt tái cấp vốn dài hạn lên tới hơn 1.000 tỷ euro (1.250 tỷ USD) cho hệ thống ngân hàng trong tháng 12/2011 và tháng 2/2012.

SMP đã gây tranh cãi ngay từ khi được bắt đầu, với những người phản đối cho rằng ECB đã vượt quá quyền hạn khi mua trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp. Mặc dù vậy, thành viên Hội đồng quản trị ECB Joerg Asmussen ngày 27/8 khẳng định ngân hàng này sẽ hành động theo đúng quyền hạn và chỉ can thiệp vào các thị trường trái phiếu thứ cấp với sự kết hợp cùng các quỹ cứu trợ của Liên minh châu Âu, đồng thời nhấn mạnh đến sự độc lập hoàn toàn của ECB. Ông nhắc lại phát biểu của ông Draghi rằng ECB sẽ chỉ can thiệp vào thị trường trái phiếu ngắn hạn.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank, Jens Weidmann, người đồng thời cũng là thành viên Hội đồng quản trị ECB, cuối tuần trước cho rằng việc ECB mua trái phiếu là một điều nguy hiểm khi khiến các nước có trái phiếu được mua có thể lệ thuộc vào sự can thiệp này như nghiện thuốc phiện. Ông cũng cho rằng với chương trình mua trái phiếu, ECB cũng đang tiến gần đến chỗ vi phạm quy định cấm tài trợ trực tiếp cho các chính phủ. Ông phản đối việc gán cho ECB nghĩa vụ bảo vệ các nước thành viên Eurozone bằng bất kỳ giá nào.

Bộ Tài chính Đức cũng lo ngại việc chương trình mua trái phiếu của ECB sẽ làm tổn hại đến sự độc lập của ngân hàng này. Điều kiện cho sự hỗ trợ của ECB là các chính phủ trước tiên phải xin viện trợ từ các quỹ cứu trợ của khu vực, điều sẽ cần tới sự thông qua của các bộ trưởng tài chính. Điều này khiến các thống đốc ngân hàng trung ương lo ngại quyết định của họ sẽ phụ thuộc vào các chính trị gia.

ECB đang buộc phải đảm đương một vai trò lớn hơn trong việc gỡ quả bom nợ công, trong khi chính phủ các nước bàn cách dỡ bỏ những chướng ngại về pháp lý và chính trị để có thể phối hợp với nhau trong một phản ứng dài hạn hơn.

Trong lúc đó, Bundesbank muốn hạn chế quyền hạn hành động của ECB. Bundesbank có ảnh hưởng lớn ở Đức và các thị trường tài chính nhờ những thành tích trong việc kiềm chế lạm phát, song chỉ là một trong 17 ngân hàng cấu thành nên ECB - hiện đang cân nhắc các mục tiêu về biên độ lãi suất của chương trình mua trái phiếu nhằm tránh để giới đầu cơ trục lợi. Vì vậy, ngân hàng này sẽ không thể làm thay đổi kế hoạch của ông Draghi.

Tuy nhiên, ngay trong chính ECB cũng nổ ra những tranh luận gay gắt giữa các đại diện đến từ các nước như Tây Ban Nha hay Italy, những người ủng hộ việc mua trái phiếu và các đại diện đến từ các nước Bắc Âu, những người cho rằng một chương trình như vậy chỉ nên được tiến hành trong thời gian ngắn nhưng phải mang lại hiệu quả trong trường hợp lãi suất trái phiếu tăng mạnh./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục