Tranh cãi về thái độ mềm mỏng của Tổng thống Trump với Huawei

“Lệnh đình chiến” Mỹ-Trung mà theo đó Mỹ sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt với tập đoàn Huawei đã kích động sự phản đối của các nghị sỹ Mỹ do quan ngại về tình hình an ninh quốc gia.

Theo AFP, “Lệnh đình chiến” Mỹ-Trung mà theo đó Mỹ sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt với tập đoàn Huawei đã kích động sự phản đối của các nghị sỹ Mỹ do quan ngại về tình hình an ninh quốc gia trong bối cảnh vẫn còn nhiều hoài nghi về tác động của thỏa thuận này với "ông trùm" công nghệ Trung Quốc.

Theo thỏa thuận hồi cuối tuần qua với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc nối lại đàm phán và tạm hoãn tăng thuế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất lập trường mềm mỏng hơn với Huawei - vốn là vấn đề gây bế tắc trong cuộc chiến thương mại.

Hôm 30/6, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng “có khả năng” thỏa thuận này sẽ mở cửa cho “các giấy phép mới” để cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu linh kiện cho tập đoàn Huawei. Tập đoàn này bị cho là làm việc với tình báo Bắc Kinh để hỗ trợ hoạt động gián điệp. Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới đã một mực phủ nhận cáo buộc này.

Tháng trước, chính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào “danh sách đen” gồm các công ty bị cấm nhập khẩu các linh kiện của Mỹ. Một số nghị sỹ cáo buộc Trump quay lưng lại với an ninh quốc gia. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio viết trên Twitter: “Nếu Tổng thống thực sự nới lỏng các hạn chế với Huawei, thì chúng ta phải đưa các biện pháp đó trở lại thông qua luật pháp.” 

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Chuck Schumer cũng viết trên Twitter rằng: “Huawei là một trong vài đòn bẩy tiềm năng mà chúng ta có để buộc Trung Quốc bình đẳng trong thương mại.” Cố vấn Ludkow khẳng định rằng Huawei vẫn nằm trong “danh sách đen” của Mỹ.

Phát biểu với các phóng viên sau hội nghị G20, Trump nói rằng các công ty Mỹ “có thể bán thiết bị cho Huawei” nếu không liên quan đến vấn đề an ninh nghiêm trọng. Ông khẳng định: “Huawei là một vấn đề phức tạp mà sẽ được thảo luận như một phần trong thỏa thuận thương mại lớn hơn. Chúng ta đang đối mặt với vấn đề an ninh quốc gia mà đối với tôi là cực kỳ nghiêm trọng.”

Michael McFaul, giáo sư đại học Stanford và là cựu đại sứ Mỹ tại Nga, cho rằng quyết định của Trump làm lung lay những lập luận của ông về vấn đề an ninh quốc gia. McFaul viết trên Twitter: “Khi bạn nói với thế giới rằng Huawei là mối đe dọa an ninh và rồi đảo ngược luận điểm đó vào ngày hôm sau, bạn đang làm xói mòn tính xác thực của lập trường an ninh ban đầu.”

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận này có tác động ra sao với Huawei - tập đoàn đang đối mặt với các hạn chế của Mỹ mà theo đó sẽ không được tiếp nhận hệ điều hành Android của Google cũng như các phần cứng quan trọng để tiếp tục sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị khác.

Khi được hỏi về thỏa thuận này, người phát ngôn của Huawei nói: “Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn về các phát biểu của Tổng thống Trump liên quan đến Huawei hồi cuối tuần qua và chúng tôi không đưa ra bình luận thêm nào vào thời điểm này.”

Nhà phân tích công nghệ Richard Windsor viết trên trang blog cá nhân rằng thỏa thuận này “khó có thể trao cho Huawei các sản phẩm mà họ thực sự cần và ngay cả khi nó làm được điều đó, vẫn có khả năng rằng việc kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei gặp nhiều tổn thất.”

Chuyên gia James Lewis của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng lệnh đình chiến có thể không kéo dài. Ông Lewis nói: “Trump có thể ‘kìm kẹp’ Huawi - ông ta và phía Trung Quốc biết điều đó - và Trump dường như muốn sử dụng nó để tăng sức ảnh hưởng trong đàm phán.”

Samm Sacks, học giả tại Quỹ New America, nói rằng Mỹ đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi phải tìm cách giải quyết mâu thuẫn thương mại trong khi duy trì quan điểm cứng rắn với mối đe dọa an ninh quốc gia từ Huawei.

Bà Sacks nói: “Trump đã bật đèn xanh cho các nhân vật có quan điểm cứng rắn về vấn đề an ninh quốc gia, những người không theo đuổi mục tiêu tìm kiếm thỏa thuận trong cuộc chiến thương mại, mà là thiết lập một thế giới không có thiết bị điện tử Trung Quốc.”

Theo bà, có một khả năng nhượng bộ ở đây. Đó là nới lỏng hạn chế với việc mua điện thoại thông minh và máy tính bảng của Huawei trong khi duy trì trừng phạt với cơ sở hạ tầng viễn thông vốn bị xem là có nguy cơ cao hơn với an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, bà Sacks nhấn mạnh rằng thỏa thuận này khó có thể giải quyết căng thẳng âm ỉ giữa hai cường quốc kinh tế trong nỗ lực giành thế thống trị trong lĩnh vực công nghệ. Bà nói: “Trong dài hạn, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ tham vọng của họ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Internet và các mạng lưới 5G - điều sẽ tiếp tục kích động căng thẳng với Mỹ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục