Tránh hình thức trong lấy ý kiến đối tượng chịu tác động dự án luật

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, cần quan tâm việc lấy ý kiến cử tri đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động; tránh hình thức trong công tác này
Tránh hình thức trong lấy ý kiến đối tượng chịu tác động dự án luật ảnh 1Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 18/7, phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan cần quan tâm việc lấy ý kiến cử tri đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động; tránh hình thức trong công tác này.

Phó Thủ tướng chỉ rõ từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế nhất là các dự án luật, pháp lệnh trong đó trọng tâm là thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ cũng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc lập, triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình).

Trong thời gian qua, việc đề xuất xây dựng và đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có sự chủ động hơn, bám sát yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Việc thực hiện Chương trình đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng dự án luật, pháp lệnh xin lùi, xin rút khỏi Chương trình đã giảm rõ rệt so với nhiệm kỳ trước. Tiến độ chuẩn bị và trình dự án luật có tiến bộ, chất lượng các dự án được nâng lên... Những kết quả này đã được Quốc hội đánh giá, ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình còn những tồn tại, hạn chế. Tình trạng xin lùi, xin rút các dự án luật chưa được khắc phục triệt để; chất lượng một số dự án luật chưa cao dẫn đến phải rút ra khỏi Chương trình. Trong nghiên cứu, soạn thảo, chỉnh lý các dự án luật, nhất là những dự án lớn, phức tạp, nhạy cảm, việc chủ động thông tin truyền thông, tham vấn ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động trực tiếp còn hạn chế, hiệu quả chưa cao nên chưa tạo được sự đồng thuận.

[Nâng cao chất lượng, tiến độ và hiệu quả trong xây dựng pháp luật]

Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế này tại các phiên họp thường kỳ và các phiên họp chuyên đề Chính phủ; đồng thời yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ phải ưu tiên tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong nghiên cứu, soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Thủ tướng cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và kiểm điểm trách nhiệm các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng dự án luật, pháp lệnh không đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Nhấn mạnh thời gian tới khối lượng luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung và ban hành mới rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi các cơ quan có liên quan từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành phải có sự nỗ lực lớn, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đảm bảo chất lượng và tiến độ trình các dự án luật.

“Một thực tế, tất yếu khách quan là chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngay từ đầu và trong suốt quá trình nghiên cứu, soạn thảo, xem xét, thông qua là nhân tố quan trọng, có tính chất quyết định đến tiến độ, chất lượng, tính khả thi của dự án luật, pháp lệnh,” Phó Thủ tướng nhận định.

Để bảo đảm hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật của cơ quan mình; coi việc hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Các cơ quan kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ đội ngũ pháp chế; tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng pháp luật tương xứng với tính chất, mức độ của công tác này.

Phó Thủ tướng lưu ý trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, cần quan tâm công tác tuyên truyền để đảm bảo tạo sự đồng thuận của người dân. Trong đó, cần lấy ý kiến cử tri đặc biệt là lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động; tránh hình thức trong việc lấy ý kiến. Các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí, thông tin rộng rãi để người dân hiểu được tác động của chính sách.

Tránh hình thức trong lấy ý kiến đối tượng chịu tác động dự án luật ảnh 2Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến tại Hội nghị hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018.

Ủy ban Pháp luật giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh Thông báo Kết luận Hội nghị để triển khai thực hiện. Các cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cơ quan trình dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể và triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công; thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện luật, pháp lệnh; tuân thủ đúng yêu cầu về báo cáo tiến độ trước ngày 30 hàng tháng đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục