Tránh tâm lý 'xả hơi' sau giãn cách để bảo vệ thành quả chống dịch

Cần tránh tâm lý 'xả hơi' sau giãn cách để bảo vệ thành quả chống dịch

Báo chí sẽ truyền đi thông điệp để nâng cao ý thức của người dân, không nên lơ là, chủ quan, xem nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch.
Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine tại điểm tiêm trường Đại học Trà Vinh. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)
Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine tại điểm tiêm trường Đại học Trà Vinh. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch truyền thông chống dịch COVID-19 với thông điệp “Xét nghiệm là then chốt, vaccine là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát.”

[Nhiều người Hà Nội vui Trung Thu mà quên phòng dịch COVID-19]

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, yêu cầu báo chí truyền đi thông điệp về chính sách phòng, chống dịch liên tục được điều chỉnh đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta; đặc biệt với việc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài,” người dân là chiến sỹ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.

Giai đoạn từ ngày 23/9 đến ngày 30/9, báo chí cần đầu tư tăng các bài, chương trình phân tích kỹ, bình luận sâu, ý kiến chuyên gia về các thông điệp chống dịch quan trọng: Biến thể Delta vừa lây lan nhanh, lại vừa kéo dài; chu kỳ ủ bệnh giờ kéo dài hơn, 18 ngày chứ không phải 14 ngày, nồng độ virus hơn gấp 1.000 lần so với chủng ban đầu.

“Để chống lại virus với 3 đặc thù mới thì biện pháp chống dịch phải rất khác trước đây. Báo chí cần truyền đi thông điệp “5K + vaccine + xét nghiệm + ý thức người dân,” kế hoạch của Tiểu ban Truyền thông nêu rõ.

[Đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo an sinh xã hội và phòng dịch hiệu quả]

Nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm ngặt giãn cách, tăng cường giãn cách trong giai đoạn trước, hiện đang từng bước nới lỏng giãn cách, xác định “sống chung với COVID-19.” Do đó, báo chí cần tăng cường khuyến cáo, nâng cao ý thức của người dân, không nên lơ là, chủ quan, xem nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch, tránh tâm lý “xả hơi” sau thời gian dài giãn cách để bảo vệ thành quả chống dịch chung.

“Chống dịch hiệu quả cần hơn hết là ý thức của tất cả người dân, để chiến thắng trước COVID thực sự là chiến thắng của nhân dân,” theo Trưởng Tiểu ban Truyền thông.

Ngoài ra, báo chí cũng sẽ giảm bớt lượng tin tức phản ánh không có chiều sâu về diễn biến dịch bệnh; không đưa số liệu thiếu phân tích, thiếu kiểm chứng; không loan tin, giật tít lệch lạc về những vấn đề còn đang được bàn bạc, chưa có kết luận cuối cùng, tránh tạo tâm lý kỳ vọng thái quá hoặc bức xúc thái quá.

Bên canh đó, báo chí tiếp tục tăng cường thông tin về diễn biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam gần đây như nhiều địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, tỷ lệ tử vong giảm, tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao, nới lỏng giãn cách… để tạo sự yên tâm, tin tưởng của người dân trong và ngoài nước, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài, bạn bè quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục