Tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước số 98

Các ý kiến cho rằng dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Công ước 98 cần đảm bảo đồng bộ về thời gian hiệu lực để tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước.
Tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước số 98 ảnh 1Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Long An, Bình Thuận và thành phố Cần Thơ thảo luận ở tổ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, các đại biểu Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thuyết minh, Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Các đại biểu thảo luận ở tổ về các nội dung này.

Các ý kiến cho rằng dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Công ước 98 đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, cần đảm bảo đồng bộ về thời gian hiệu lực để tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý khi thi hành Công ước.

Một số đại biểu nhấn mạnh khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động năm 2012 sẽ có một số quy định mới liên quan đến Luật Công đoàn năm 2012. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

[Tăng tuổi nghỉ hưu: Chỉ nên áp dụng cho khu vực công?]

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất, Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ các mặt không thuận lợi khi gia nhập Công ước số 98 để chủ động các phương án xử lý tốt nhất không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người lao động.

Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra hai phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến: Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Một số đại biểu nhấn mạnh việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không chỉ tăng nguồn lực cho tương lai mà điều quan trọng là kéo dài thời gian làm việc cho người lao động. Khi làm việc lâu hơn, tiền đóng quỹ bảo hiểm xã hội nhiều hơn, tiền lương hưu sẽ tăng thêm.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tuyên truyền làm rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu áp dụng cho đối tượng nào, chứ không phải ai cũng phải tăng thời gian làm việc.

Chính phủ quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần phân theo ba nhóm có các danh mục ngành nghề, lĩnh vực, để người lao động nhìn vào thấy được mình có thuộc diện đó hay không, từ đó đảm bảo sự đồng thuận của người lao động.

Thảo luận tại tổ về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều đại biểu cho rằng, phương án Chính phủ trình là khó khả thi, khả năng cân đối vốn là khó khăn, đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ nếu Quốc hội cho phép thực hiện theo đề xuất của Chính phủ thì số kế hoạch chuyển sang giai đoạn tiếp theo cần cụ thể là bao nhiêu dự án, với tổng số vốn như thế nào.

Cho rằng phương án phân bổ trong kế hoạch trung hạn còn dàn trải, kém hiệu quả, các đại biểu đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tự rà soát, cắt giảm, bổ sung phù hợp với nguồn cân đối được, tự thực hiện và chịu trách nhiệm hoặc xin ý kiến thường vụ cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau, nhưng tuyệt đối phải tuân thủ nguyên tắc, danh mục và tổng mức vốn của các dự án đưa vào trung hạn không quá mức vốn có thể cân đối được trong hai năm còn lại.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục