Trao 84 giải cá nhân cuộc thi tìm hiểu Thăng Long

Từ gần 3,3 triệu bài, ban tổ chức đã trao 84 giải cá nhân, 39 giải tập thể cuộc thi "Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng."
Sáng 4/10, tại Nhà hát Lớn, Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng."

Từ gần 3,3 triệu bài dự thi, ban tổ chức đã trao 84 giải cá nhân, trong đó giải đặc biệt thuộc về Đoàn cơ sở Trung đoàn BB38, Sư đoàn BB 2, Quân khu 5, giải Nhất thuộc về Vũ Tuấn Cường - Đoàn thanh niên Công ty Cavico Việt Nam.

Ban tổ chức còn trao 39 giải tập thể cho ban tổ chức cuộc thi các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trong cả nước, trong đó giải đặc biệt thuộc về ban tổ chức cuộc thi thành phố Hà Nội, giải nhất thuộc về Ban Thanh niên Quân đội; tám giải thưởng cá nhân có bài dự thi ấn tượng.

Phát động tháng 10/2009, cuộc thi được triển khai rộng khắp cả nước và ở nước bạn Lào, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Nhiều bài thi được đầu tư công phu, hình thức trình bày sáng tạo, sưu tầm nhiều tài liệu, tranh ảnh bằng các chất liệu độc đáo, với nhiều kiểu mang phong cách truyền thống: cuốn thư, hình rồng, thư pháp, cờ hội, nón lá, video clip.

Trong đó phải kể đến bài dự thi in trên hình rồng cao 2,2m, dài 2,8m của Đoàn thanh niên Công ty Cavico Việt Nam; bài dự thi trình bày bằng chất liệu mika, giấy dó với kiểu chữ thư pháp của Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Người dự thi cao tuổi nhất là cụ Vũ Duy Bính 100 tuổi, ở Hà Nội. Nhỏ tuổi nhất là em Ngô Hoàng Khánh Văn, lớp 2E, trường tiểu học Mai Động, Hà Nội. Bài dự thi có số lượng trang nhiều nhất là 1.261 trang, được chia thành năm tập của tác giả Châu Hồng Tâm, ở Bình Định.

Cuộc thi còn thu hút sự tham gia của một số nhân vật đặc biệt như Steven Tait, người Canada trình bày bài thi trên năm chiếc nón lá; Nguyễn Duy Khánh, chín tuổi, học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), làm bài dự thi bằng chữ nổi; Nguyễn Thị Linh ở Đắk Lắk làm bài dự thi bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc...

Cuộc thi đã tạo ra bầu không khí hưởng ứng tích cực và đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp thiết thực, ý nghĩa trong tuổi trẻ cả nước, hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.

Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục