Trao bằng công nhận Di tích lịch sử Đồi 722-Đắk Sắk

Ngày 9/3, Di tích lịch sử Đồi 722-Đắk Sắk-chiến trường trọng điểm thời kháng chiến chống Mỹ đã đón Bằng công nhận di tích cấp quốc gia.
Ngày 9/3, tại xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử Đồi 722-Đắk Sắk.

Nơi đây, vào tháng 4/1965, để thực hiện nhanh chiến lược “chiến tranh cục bộ,” ở Tây Nguyên, Mỹ-Ngụy đã xác định đây là chiến trường trọng điểm nên đã khẩn trương tăng cường tiềm lực quân sự, xây hàng trăm căn cứ, đồn bốt ở Nam Tây Nguyên, mở rộng sân bay ở Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Nhân Cơ…

Riêng tại tỉnh Quảng Đức, Mỹ-Ngụy xác định địa bàn Đức Lập-Đắk Sắk có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị… để khống chế Nam Tây Nuyên, Đông Nam Bộ và vùng biên giới Campuchia rồi tiến hành thiết lập trại lực lượng đặc biệt Đức Lập vào 5/1965.

Tại đây, chúng đã xây dựng các tuyến giao thông, cắm đồn bốt trên các tuyến đường để phục vụ cho sự cơ động của lính Ngụy trong các cuộc hành quân càn quét vào vùng căn cứ cách mạng, cắt đứt hành lang chiến lược Bắc-Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Đức. Tăng cường mạng lưới an ninh, gián điệp, tổ chức huấn luyện lực lượng đặc biệt…nhằm đánh sâu vào vùng giải phóng và bao vây phong tỏa kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, Mỹ-Ngụy thiết lập một sân bay dã chiến tại Đắk Sắk, đường băng dài 800m cách trại Đức Lập 1km về phía Tây nhằm chi viện cho căn cứ điểm Đắk Sắk và theo dõi hoạt động của Việt Nam.

Trong đó, đồi 722-Đắk Sắk là cứ điểm trọng yếu. Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, từ năm 1968-1975, Việt Nam đã chủ động tấn công tiêu hao sinh lực địch trên địa bàn Đức Lập-Đắk Sắk. Tiêu biểu trận đánh từ ngày 22-24/8/1968, Việt Nam tấn công và làm chủ khu Đức Lập và Đồi 722-Đắk Sắk. Nhưng chỉ được 3-4 ngày bị chiếm, địch đã huy động quân tổng lực từ Buôn Ma Thuột và căn cứ quân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Đức và dành lại khu Đức Lập và đồi 722- Đắk Sắk. Do chậm thông tin, lại chưa được chi viện nên Việt Nam chỉ cầm cự được trong 3 ngày. Tại trận Đồi 722, bộ đội Việt Nam đã hy sinh 153 chiến sỹ.

Để khắc ghi một địa điểm để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh Cách Mạng trên mảnh đất Tây Nguyên tại Đồi 722-Đắk Sắk, năm 2010 tỉnh Đắk Nông đã đầu tư 4,1 tỷ đồng, giao Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil triển khai xây dựng./.

K’GỬIH (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục