Trao cúp vàng vì bảo vệ môi trường Việt Nam

Có 110 trong số 189 đơn vị ở 32 tỉnh, thành phố đã được lựa chọn trao Cúp Vàng vì sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2009.
Ngày 25/10, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ trao giải thưởng Cúp Vàng vì sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2009.

Có 110 trong số 189 đơn vị ở 32 tỉnh, thành phố đã được lựa chọn trao Cúp Vàng. Các doanh nghiệp này nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, có nhiều sản phẩm thân thiện môi trường, tích cực đóng góp vào các hoạt động bảo vệ môi trường ở địa bàn hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp tiêu biểu trong việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn hoặc giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Điển hình trong số này là Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị y tế Minh Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh), công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất các sản phẩm nhựa y tế dùng một lần, phù hợp với tiêu chuẩn Iso 8536-4 TCVN.

Công ty phát triển sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm nhựa y tế cho tập đoàn Gemel có trụ sở tại Đài Loan. Trong quá trình sản xuất, công ty Minh Tâm đã sử dụng các sản phẩm xử lý nước với công nghệ tiến tiến của Mỹ, thiết kế nhỏ gọn, hệ thống đồng bộ, vận hành tự động và đang hợp tác với Nhật Bản trong chương trình xử lý nước thải bằng sinh học.

Doanh nghiệp tư nhân nhựa Hoàng Thắng (Cần Thơ) đã nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, phục vụ nông dân như "dụng cụ gieo hạt thẳng hàng", "máy gặt đập liên hợp"...

Doanh nghiệp này cũng đã chế tạo "thiết bị phun xịt dung dịch kéo tay" nhẹ, dễ sử dụng, phun nhanh, phun đều, phun từ gốc đến ngọn nên diệt trừ rầy nâu và các bệnh trên lúa rất hữu hiệu, đồng thời giúp nông dân tránh bị nhiễm độc so với việc dùng bình xịt đeo lưng trước đây.

Nhà máy sữa Tiên Sơn (Bắc Ninh) sau khi hoàn tất xây dựng nhà máy đã nghiệm thu các hạng mục như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và cho hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động.

Đầu năm 2009, lãnh đạo nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý khói lò hơi theo công nghệ tháp hấp thụ ướt đảm bảo khói lò sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định của TCVN 5939:2005.

Bên cạnh đó, nhà máy cũng quan tâm tới công tác phân loại, vận chuyển và xử lý các chất thải rắn, lỏng thải ra trong quá trình sản xuất với việc đầu tư xây dựng khu vực tập kết và phân loại rác thải có mái che và tường bảo vệ đảm bảo chất thải không thể phân tán hay thất thoát ra môi trường xung quanh.

Tới dự buổi lễ có ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện một số trường đại học và doanh nghiệp trong cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục