Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về giảm nghèo bền vững

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với UNDP tổ chức tọa đàm phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, kinh nghiệm quốc tế...
Ngày 14/9, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tọa đàm phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng ở Việt Nam.

Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, các cơ quan nghiên cứu về phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều và khả năng áp dụng tại Việt Nam; tạo diễn đàn thảo luận về các cách tiếp cận mới (nghèo đa chiều) trong quá trình xây dựng mục tiêu và hoạch định chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp nghiên cứu nghèo đa chiều trong việc phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo ở Việt Nam sẽ góp phần cung cấp thông tin để hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012,” dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XIII xem xét tại kỳ họp thứ 7.

Các đại biểu dự tọa đàm cho rằng trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến chính sách đối với người nghèo thông qua việc đầu tư nguồn lực trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước.

Nguồn lực của Nhà nước dành cho công việc này rất lớn, chủ yếu tập trung cho các vùng nông thôn, miền núi, có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các tổ chức, đóng góp của cộng đồng, xã hội cũng góp phần to lớn trong việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo.

Thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo còn những hạn chế làm một bộ phận người nghèo chưa thoát nghèo một cách bền vững; số hộ nghèo còn tập trung ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa hoặc những môi trường dễ bị tổn thương trước sự phát triển của nền kinh tế...

Để giảm nghèo bền vững, theo các đại biểu, cần phải nhiên cứu, xem xét phương thức xác định hộ nghèo, đánh giá, phân loại tình trạng nghèo, các yếu tố tác động đa chiều tới nghèo đói trong điều kiện mới để từ đó xác định nhóm chính sách ưu tiên và nhóm chính sách có khả năng chuyển thành nhóm chính sách thường xuyên với mục tiêu, phương pháp và mô hình quản lý phù hợp với giai đoạn mới của chính sách giảm nghèo bền vững đặt ra.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án tổng thể về nghèo đa chiều với các nội dung tiến hành phân tích các quyền của con người được quy định trong Hiến pháp và các văn bản luật; rà soát, đánh giá các chính sách hiện hành nhằm tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các nhu cầu cơ bản tối thiểu, chỉ ra hạn chế, đề xuất nội dung bổ sung để bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ cơ bản cho người dân.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng xây dựng, ban hành tiêu chí về mức sống tối thiểu làm cơ sở để đo lường nghèo đa chiều; đề xuất, hoàn thiện bộ chỉ tiêu điều tra mức sống dân cư, điều tra hộ nghèo, tiêu chí xác định các đối tượng được hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội theo từng lĩnh vực.

Trong quá trình nghiên cứu, thành phố Hồ Chí Minh được chọn thí điểm xây dựng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều ở 4 quận nội thành, làm cơ sở rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Đề án...

Theo kế hoạch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ hoàn thành Đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định (tháng 10/2014). Năm 2015, Bộ sẽ xây dựng các chính sách, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã tham khảo các mô hình, kinh nghiệm giảm nghèo với phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều của Mexico và bang Minas Gerais (Brazil)./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục