Trao đổi nhằm nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND

Hội nghị “Nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng Nhân dân” đã diễn ra ngày 10/10 với đại diện 30 tỉnh, thành phố phía Nam và miền Trung.
Hội nghị “Nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng Nhân dân” đã diễn ra ngày 10/10, tại thành phố mới Bình Dương, với đại diện 30 tỉnh, thành phố phía Nam và một số tỉnh miền Trung tham gia.

Hội nghị nhằm trao đổi những kinh nghiệm hay, những mặt còn tồn tại, hạn chế và biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động các Kỳ họp Hội đồng Nhân dân các cấp.

Theo ông Nguyễn Viết Lễnh, Phó Trưởng ban công tác đại biểu, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, trong nhiệm kỳ 2004-2011, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố đã cơ bản thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định; phương thức hoạt động của Hội đồng Nhân dân thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, thực hiện tốt vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Hội đồng Nhân dân cũng còn một số hạn chế.

Do đó, với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp Hội đồng Nhân dân, hội nghị này tập trung trao đổi về các nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác chuẩn bị cho kỳ họp, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, việc tổ chức tiếp xúc cử tri, giám sát, thẩm tra báo cáo, đề án…; công tác điều hành của Chủ tọa tại các kỳ họp thường kỳ, kỳ họp chuyên đề; nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp... để các kỳ họp Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trong nhiệm kỳ mới có chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa.

Hội nghị đã nghe 15 báo cáo tham luận của nhiều tỉnh, thành phố, rút kinh nghiệm từ các kỳ họp Hội đồng Nhân dân thời gian qua.

Trong đó, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm về phát huy dân chủ, tạo mọi điều kiện cho đại biểu Hội đồng Nhân dân, kể cả cử tri phản ánh, kiến nghị (qua đường dây nóng) về những vấn đề bức xúc của thành phố, thể hiện sự sâu sát với cơ sở, với dân, lắng nghe trực tiếp tiếng nói của dân... bởi vậy đã giải quyết trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm, đánh giá cao.

Trong khi đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ ra những “lối mòn” còn tồn tại từ thực tế hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn như chưa có nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân tham gia hoạt động chất vấn, mà chỉ tập trung vào một vài đại biểu “quen thuộc.”

Nhiều nội dung chất vấn còn mang tính vụn vặt, đi vào những vụ việc mang tính cá nhân, ít tập trung và hướng đến những đề xuất, hiến kế các giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội.

Những nguyên nhân trên là do một số đại biểu Hội đồng Nhân dân còn hoạt động kiêm nhiệm, ít có thời gian nghiên cứu các vấn đề, kỹ năng chất vấn còn hạn chế... dẫn đến hiệu quả các kỳ họp cũng hạn chế.

Kinh nghiệm tỉnh Bình Dương là tăng cường các hoạt động giám sát về kinh tế-xã hội, xuống tận cơ sở nắm chuyên sâu từng lĩnh vực cụ thể, phản ánh lên Thường trực Hội đồng Nhân dân để xử lý nhanh hoặc đề xuất hướng giải quyết kịp thời.

Nhờ những hoạt động cụ thể, chuyên sâu mà Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương đã giải quyết các vướng mắc mà cử tri quan tâm phản ánh như về ô nhiễm môi trường, tháo gỡ các khó khăn về điện, nước, giao thông, bình ổn giá cả, giá thuê nhà trọ của công nhân lao động... nhằm đảm bảo an sinh xã hội./.

Dương Chí Tưởng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục