Trao Huân chương hữu nghị cho Giám đốc Tập đoàn tư vấn Maventus

Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ trao Huân chương Hữu nghị cho ông Andre Sauvageot, Giám đốc Tập đoàn tư vấn Maventus, vì những đóng góp cho phát triển quan hệ Việt-Mỹ.
Trao Huân chương hữu nghị cho Giám đốc Tập đoàn tư vấn Maventus ảnh 1Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Huy Dũng trao Huân chương cho ông Andre Sauvageot. (Ảnh: Đoàn Hùng/Vietnam+)

Ngày 7/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tổ chức lễ trao tặng Huân chương Hữu nghị cho ông Andre Sauvageot, Giám đốc phát triển kinh doanh Việt-Mỹ của Tập đoàn tư vấn Maventus, nguyên Trưởng đại diện hãng General Electrics tại Việt Nam, vì những đóng góp tích cực cho quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt-Mỹ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Andre Sauvageot bày tỏ xúc động và vinh dự được nhận phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước Việt Nam, đồng thời khẳng định ủng hộ hoàn toàn sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Trong vấn đề Biển Đông, ông cực lực phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của các quốc gia có chủ quyền.

Trên cương vị ủy viên Hội đồng Thương mại Việt-Mỹ, ông cam kết sẽ góp tiếng nói thúc đẩy Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt-Mỹ phát triển hơn nữa.

Ông Andre Sauvageot sẽ là một thành viên trong phái đoàn tháp tùng Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam vào cuối tháng 5 này.

Ông Sauvageot từng là nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), chỉ huy lực lượng biệt kích tại miền Nam Việt Nam. Cuộc đời của cựu binh Mỹ Andre gắn liền với những thăng trầm của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam.

Trong 9 năm (từ 1964-1973), ông đã lăn lộn trên nhiều chiến trường ở miền Nam, hiểu rõ những mất mát đau thương của người dân Việt Nam và cả những tổn thất của quân đội Mỹ.

Khi Hiệp định Paris được ký kết, với vốn tiếng Việt được đào tạo bài bản và với cấp bậc đại tá trong quân đội Mỹ, ông trở thành phiên dịch viên cho phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán 4 bên. Từ năm 1982-1986, ông là phiên dịch viên cho Bộ Quốc phòng Mỹ về vấn đề tù nhân chiến tranh/người mất tích (POW/MIA), từng phiên dịch các buổi làm việc giữa Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Richard Armitage và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch về tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Từ năm 1987-1989, ông là phiên dịch cho Đặc phái viên Tổng thống Mỹ, Đại tướng John Vesey về POW/MIA. Năm 1989, ông rời quân ngũ và trở thành trợ lý đặc biệt của Đại sứ Mỹ tại Thái Lan về Đông Dương. Từ năm 1991-1992, ông là cố vấn về vấn đề thuyền nhân cho Chính phủ Mỹ.

Ông Sauvageot coi Việt Nam là quê hương thứ 2 vì có vợ là người Việt và bản thân ông có thời gian sinh sống ở Việt Nam rất lâu. Trong thời gian thường trú tại Hà Nội từ 1992 đến 2003 trên cương vị Trưởng đại diện công ty General Electrics, ông đã vận động Chính phủ Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam và sau đó nhiều công ty Mỹ đã mở chi nhánh đầu tiên tại thị trường này.

Nhờ mối quen biết rộng rãi và kinh nghiệm kinh doanh, ông đã giúp nhiều công ty Việt Nam, lúc này đang ở trong giai đoạn thai nghén thời kỳ đầu mở cửa, nắm bắt được những đường hướng kinh doanh tốt và thu nhiều lợi ích trong hợp tác làm ăn với Mỹ.

Là người rất có cảm tình với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng như những chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, ông Sauvageot luôn cố gắng góp sức vào việc hàn gắn và phát triển quan hệ giữa hai nước, từ vị trí phiên dịch cho các phái đoàn Mỹ, chuyên viên phụ trách hồi hương của Bộ Ngoại giao Mỹ, doanh nhân, hay ủy viên Hội đồng Thương mại Việt-Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục