Trao tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính cho dòng họ Nguyễn Quý

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính cho dòng họ Nguyễn Quý, tượng được rước từ Văn Miếu-Quốc Tử Giám về an vị tại Từ đường dòng họ Nguyễn Quý.

Ngày 18/6, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Sử học Việt Nam, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ban liên lạc dòng họ Nguyễn Quý tổ chức lễ Tưởng niệm 250 năm ngày mất và trao ​tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính (1693-1766).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho biết, dòng họ Nguyễn Quý ở Đại Mỗ (Từ Liêm-Hà Nội) là một trong những dòng họ có nhiều đời nối nhau làm quan to và có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Tiêu biểu là gia đình Nguyễn Quý Đức, ba đời kế tiếp nhau đỗ đạt cao và đều trở thành trụ cột của triều đình, là những danh nho, danh thần một thời. Cả ba cha con ông cháu gồm Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân và Nguyễn Quý Kính đều được truy phong Đại vương và Phúc thần.

Quốc sư công vị Đại vương Nguyễn Quý Kính là con trưởng của Nguyễn Quý Ân, cháu đích tôn của Nguyễn Quý Đức.

Năm 22 tuổi cụ đỗ Hương cống, được tuyển vào Thị nội văn chức, rồi thăng Lễ bộ lang trung thời vua Lê Dụ Tông, đến 40 tuổi làm Thái học tự khanh, dạy em chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh, rồi giữ chức Bồi tụng.

Thời đó, Chúa Trịnh Giang chơi bời quá độ, sinh bệnh ốm đau cần nơi vắng vẻ để điều dưỡng. Bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ làm nhiều điều ngang trái, hãm hại đại thần, đánh thuế nặng nề, hình phạt dữ dội, khiến dân loạn lạc ly tán, nhiều người đã tập hợp lại chống nhà Chúa.

Trịnh Doanh không dám quyết đoán vì danh chưa chính, ngôn chưa thuận. Cụ Nguyễn Quý Kính đã thực hiện nguyện vọng của bà Vũ thứ phi khuyên Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang trừ hết bọn gian thần cho yên dân, yên nước.

Cụ lại vận động đại thần chân chính phò Trịnh Doanh lên ngôi, loại trừ lũ hoạn quan Hoàng Công Phụ. Việc thành công tốt đẹp. Chỉ sau 10 ngày cụ đã chỉnh đốn xong việc triều chính, được phong chức Tể tướng.

Năm 65 tuổi, noi gương ông nội, cụ xin về hưu, sau nhiều lần mới được chấp nhận. Nhưng chỉ một năm sau, vua, chúa lại mời về triều xếp vào bậc Ngũ lão. Tác phẩm chính gồm có thích nghĩa bộ Tứ thư và Ngũ kinh ra quốc âm và Trung hiếu kinh chú giải.

Về quê cụ sống giản dị, hòa mình với dân làng. Khi cụ mất (74 tuổi), vua Lê, chúa Trịnh đến khóc thảm thiết trước linh cữu, phong Đại vương, Thượng đẳng Phúc thần, sắc cho các làng trong Tổng Mỗ thờ làm Thành hoàng.

Cống hiến trọn đời cho dân cho nước, tam vị đại vương đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp cao cả đáng trân trọng.

Tấm lòng yêu nước, thương dân của các cụ được sử sách ghi nhận và khẳng định, bao thế hệ con cháu tôn vinh và kính ngưỡng.

Danh thơm ấy đã tạc vào thời gian, trở thành niềm tin bền vững có sức sống trường tồn, vĩnh cửu.

Nhân dịp này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính cho dòng họ Nguyễn Quý.

Tượng đồng được rước từ Văn Miếu-Quốc Tử Giám về an vị tại Từ đường dòng họ Nguyễn Quý ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm.

Tượng đồng do nghệ sỹ Tạ Duy Đoán và nhóm các nghệ nhân đúc. Tượng có được là nhờ Chương trình “Mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khởi xướng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục