Trẻ bị tiêu chảy, nguy cơ suy dinh dưỡng cao

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tiêu chảy là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng cao ở trẻ em. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa như hiện nay, tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy tăng nhanh.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tiêu chảy là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng cao ở trẻ em. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa như hiện nay, tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy tăng nhanh.

Đây cũng là căn bệnh gây tử vong ở trẻ cao thứ hai trên thế giới, do bệnh nhân bị mất nước, mất muối.


Mới đây, trong chuyến thăm khám của các chuyên gia Viện Dinh dưỡng tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh), đã phát hiện nhiều trẻ em có dấu hiệu suy dinh dưỡng do tiêu chảy.

Nhiều bà mẹ trẻ tại địa phương đã tìm đến các bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn.

Chị Nguyễn Thị Thu (Phương Liễu, Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết: Con chị được 6 tháng tuổi. Hai, ba tuần nay cháu có dấu hiệu tiêu chảy thường xuyên hoặc đi ngoài phân sống.

Chị Thu băn khoăn, không biết có nên tiếp tục cho cháu bú sữa mẹ như trước. Một tháng nay, cháu không tăng cân.

Trường hợp của cháu Đỗ Diệu Anh, hai tuổi, (Nhân Hòa, Quế Võ, Bắc Ninh) cũng đang trong tình trạng suy dinh dưỡng do tiêu chảy kéo dài.

Mẹ cháu lại kiêng khem quá nhiều, lo sợ cháu ăn vào sẽ càng bị nặng hơn. Vì vậy, cháu sút cân nhanh, người gầy gò, xanh xao, kém hoạt động.

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi trẻ bị tiêu chảy, dinh dưỡng của trẻ bị ảnh hưởng tới 30% trong ngày tiêu chảy đầu tiên vì trẻ thường chán ăn, nôn trớ.

Cha mẹ lại bắt kiêng ăn thịt mỡ, nhịn ăn hoặc ăn thức ăn loãng, ít giá trị dinh dưỡng nên nguồn dinh dưỡng cung cấp vào cơ thể của trẻ nhỏ bị giảm sút.

Tiêu chảy còn làm tổn thương niêm mạc ruột của trẻ nên diện tích hấp thu bị hạn chế, các chất dinh dưỡng giảm hấp thu đến 30%. Do đó, suy dinh dưỡng thường xảy ra sau những đợt tiêu chảy kéo dài hoặc tiêu chảy cấp nhiều lần liên tiếp.

Ngược lại, khi đã bị suy dinh dưỡng thì các bệnh nhiễm trùng trong đó có tiêu chảy rất dễ xảy ra và diễn biến càng trầm trọng hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn “tiêu chảy – suy dinh dưỡng”.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, không được ngừng hoặc giảm thức ăn cho trẻ khi bị tiêu chảy. Quan niệm trẻ ăn vào lại đại tiện nhiều hơn là hoàn toàn sai lầm.

Chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong điều trị. Trong suốt thời gian trẻ bị tiêu chảy, tuỳ từng lứa tuổi, cha mẹ vẫn phải cho trẻ ăn đủ khẩu phần để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em.

Với trẻ nhỏ đang bú mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần cho bú.

Với trẻ đã ăn dặm cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa, cá... nhiều lần và ít một.

Cho trẻ ăn thêm các loại quả chín hoặc nước quả để tăng lượng kali và các vitamin. Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ như rau thô, tinh bột nguyên hạt vì khó tiêu hoá.

Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ tiêu thụ năng lượng cao và tốc độ tăng cân cũng cao hơn bình thường nên cần được ăn bổ sung hợp lý, ăn tăng thêm bữa và bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng.


Cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến việc giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân để giảm nguy cơ tái diễn các đợt tiêu chảy ở trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục