"Suy dinh dưỡng" cảm xúc!

Trẻ em Bulgaria nguy cơ "suy dinh dưỡng" cảm xúc

Theo UNICEF, việc trẻ em bị bỏ rơi rất phổ biến ở trung và Đông Âu, cao nhất là ở Bulgari-nơi có hàng ngàn trẻ thèm khát sự chăm sóc.
Khuôn mặt xanh xao và đôi mắt u buồn của cô bé Gergana dường như đã nói lên tất cả - cô bé, cũng giống như hàng ngàn đứa trẻ bị bỏ rơi trong các khu chăm sóc xã hội ở Bulgaria, đang thèm khát sự chăm sóc, vỗ về.

"Đứa trẻ trông như bị suy dinh dưỡng, cô lập và không còn quan tâm đến thế giới bên ngoài," nhà tâm lý học người Pháp Boris Cyrulnik nói trong chuyến thăm của UNICEF tới Khu chăm sóc xã hội Ivan Rilski ở Sofia vào tuần trước.

Theo các nhân viên ở đây, Gergana có thể bị dị tật não khiến cô bé lúc nào cũng im lặng và thờ ơ cả với đồ chơi. Không giải quyết được tình trạng này, gia đình cô bé đã để mặc cho Nhà nước chăm sóc.

Theo ông Jean-Claude Legrand, cố vấn của UNICEF, việc trẻ em, cả khỏe mạnh lẫn khuyết tật, bị bỏ rơi là rất phổ biến ở 22 nước trung và Đông Âu, bao gồm cả Liên Xô cũ.

Tổng cộng ở các nước này có khoảng 626.000 trẻ em, trong đó bao gồm ít nhất 31.000 trẻ em dưới 3 tuổi, sống trong các khu bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Tại khu Ivan Rilski, các cố vấn của UNICEF cho rằng ở đây có đủ nhân viên chăm sóc, có cơ sở vật chất tốt và không gặp vấn đề dinh dưỡng, vệ sinh, tuy nhiên điều này không có nghĩa là đã đủ tình cảm.

"Các nhân viên thường không thể làm nhiều hơn những gì họ vẫn làm trong các khu chăm sóc kiểu này," Legrand nói tại nơi mà những đứa trẻ này bị bỏ trong cũi, cô lập với nhau.

Theo tổ chức UNICEF, Bulgaria có số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi cao nhất, trung bình cứ 100.000 trẻ em dưới 3 tuổi thì có 780 em bị bỏ rơi ở các khu chăm sóc xã hội.

"Việc thiếu sự liên hệ với người lớn có thể làm cho tình trạng của trẻ em tàn tật thêm trầm trọng hoặc làm chậm sự phát triển của những đứa trẻ sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh," Cyrulnik cảnh báo.

"Đây là những dấu hiệu của việc thiếu tình cảm nghiêm trọng", ông nói.

Bác sỹ Lyubomir Zhabunov, vốn nắm rõ điều kiện tại các khu chăm sóc xã hội, cho biết tại một khu chăm sóc ở Shumen, 56% trẻ em bị nhẹ cân, hậu quả của việc bị trầm cảm, chứ không phải bị suy dinh dưỡng.

Nhận thức được tình trạng này, năm 2010, Chính phủ Bulgaria đã tìm các gia đình nhận chăm sóc 1.800 đứa trẻ bị bỏ rơi, như là bước đầu tiên để tiến tới việc đóng cửa 32 khu chăm sóc xã hội.

Ý tưởng này nhằm ngăn chặn ngay từ đầu các vấn đề xảy ra với những đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng thực tế điều này gặp khó vì trên thực tế, 40% các em bé đã bị ảnh hưởng vì các bệnh khác nhau.

Tại Bulgaria có tất cả 7.000 trẻ em và thanh thiếu niên sống trong các khu nhà chăm sóc của nhà nước.

Cuối năm 2010, Bulgaria đã đóng cửa 1 khu nhà ở xã hội cho 32 trẻ em ở Teteven, và đến năm 2014 sẽ đóng cửa thêm 8 khu nhà khác đang nuôi dưỡng 300 trẻ em.

Với sự hỗ trợ của UNICEF và các tổ chức phi chính phủ ở Bulgaria, khoảng 2/3 trong số hơn 100 trẻ em ở Shumen được nhận làm con nuôi hoặc được chuyển đến các gia đình nhận nuôi dưỡng.

Cô bé Milena 3 tuổi, vốn chỉ ngồi im trong các khu chăm sóc xã hội, sau 1 năm được chăm sóc, đã đi lại, nhảy múa và nói chuyện, bà Neli Perova thuộc Hội chăm sóc xã hội vui mừng cho biết.

Nhưng ngay cả khi việc đóng cửa những khu nhà nhỏ đang được gấp rút tiến hành thì triển vọng có thể đóng cửa các khu nhà lớn hơn vẫn còn khá ảm đạm.

Các nhân viên xã hội và các tổ chức phi chính phủ đã khởi động các chương trình giúp đỡ các gia đình, chủ yếu là những người nghèo, đón con họ về. Trong khi đó, các bà mẹ trẻ thất nghiệp cũng được tư vấn và hỗ trợ đặc biệt để khuyến khích họ không bỏ rơi con.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về việc các khu nhà ở xã hội sớm bị đóng cửa.

"Việc những đứa trẻ khỏe mạnh phải ở trong các khu nhà xã hội đã được giảm thiểu. Tuy nhiên, những trẻ em có nhu cầu đặc biệt sẽ vẫn phải ở đây vì vẫn thiếu mạng lưới các dịch vụ có thể hỗ trợ cho chúng," Valentina Liharska, người quản lý của Ivan Rilski cho biết./.

M.A (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục