Trẻ em mưu sinh trên đường phố kể chuyện đời mình qua nhiếp ảnh

Những đứa trẻ co ro trên ghế đá công viên, những em nhỏ bán hàng rong trên phố, những câu chuyện về tuổi thơ không trọn vẹn, khiến đông đảo khách tham quan triển lãm “24 giờ trên phố” xúc động.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lắng nghe câu chuyện của em Đào Phương Trinh, một trong những em nhỏ tham gia dự án. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lắng nghe câu chuyện của em Đào Phương Trinh, một trong những em nhỏ tham gia dự án. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hôm nay, cô bé Đào Phương Trinh, 11 tuổi, vui lắm. Vì những bức ảnh do em và các bạn tự tay chụp được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Trinh và các bạn của em không có tuổi thơ bình thường như các bạn khác, mà phải mưu sinh ngoài đường phố. Bỗng một ngày, các cô chú “cán bộ xã hội” tới, trò chuyện và nói rằng sẽ trao cho các em những chiếc máy ảnh để có thể chụp lại những gì các em thấy trong cuộc sống của mình.

Ngày hôm nay, khi triển lãm “24 giờ trên phố” khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, các em thấy hạnh phúc khi những câu chuyện của mình đang được mọi người lắng nghe.

Một dự án nhân văn

Bất kỳ trẻ em nào sinh ra đều có quyền được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Thế nhưng, những nhân vật chính trong triển lãm “24 giờ trên phố” lại không được may mắn như vậy. Những đứa trẻ ấy thay vì được đi học, được vui chơi với bạn bè thì phần lớn thời gian lại dành cho công cuộc mưu sinh trên những vỉa hè huyên náo ở thành thị. Các em thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội: bạo lực gia đình, xâm hại, bóc lột sức lao động, thiếu thốn vật chất và tinh thần… điều đó gây nên những tổn thương lớn về mặt tâm lý và thể chất về lâu dài.

Trẻ em mưu sinh trên đường phố kể chuyện đời mình qua nhiếp ảnh ảnh 1Triển lãm khiến nhiều người xúc động. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nghiên cứu, thực hiện một dự án đặc biệt để tìm hiểu hoàn cảnh của những đứa trẻ mưu sinh trên đường phố.

Đó là một trong những hoạt động hưởng ứng chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” trong đó nhấn mạnh chủ đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em," do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động trong năm nay.

Với ba chủ đề: “Ngày ấy đã từng,” “24 giờ trên phố,” và “Tìm về chốn bình yên,” triển lãm như thước phim ghi lại hành trình cuộc sống xen lẫn với những nỗi niềm, tiếng lòng của những đứa trẻ đường phố qua các câu chuyện chân thực, dung dị nhất mà có lẽ các em ít chia sẻ cùng ai.

[Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong thực hiện quyền trẻ em]

Những hình ảnh và câu chuyện trong triển lãm trở nên gần gũi hơn nhờ một phần nội dung sử dụng phương pháp photo voice, khi chính các em là người ghi lại và chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống đường phố của mình. Bên cạnh việc nghiên cứu các tài liệu, xin ý kiến các chuyên gia, nắm bắt dư luận xã hội qua các kênh truyền thông, nhóm nghiên cứu tiếp xúc trực tiếp với hàng chục ca trẻ em lao động trên đường phố, nhưng chỉ được 9 em đồng ý tham gia kể câu chuyện của mình, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết.

“Để nội dung triển lãm chân thực, các cán bộ bảo tàng đã dành rất nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện, khơi gợi lòng tin, tình cảm để các em có thể chia sẻ những góc khuất trong cuộc sống của mình,” bà nói thêm.

“Bên cạnh những góc khuất đầy nguy cơ, bất trắc ấy, chuyện của các em đang ánh dần lên niềm tin về một tương lai tươi sáng, những ước mơ đã và đang được chắp cánh nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành, của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân thiện nguyện,” bà cho hay.

Khi những nỗi niềm được lắng nghe

Tại triển lãm, người xem xúc động khi thấy hình ảnh túp lều tạm của Đào Phương Trinh, sinh năm 2009 tại Hà Nội. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi nên em sống với bà nội. Hai bà cháu không nơi nương tựa nên phải dựng tạm một túp lều ở bãi đất trống để ở. Hàng ngày, hai bà cháu đi ăn xin, nhặt phế liệu trên phố.

Rồi cô Nguyễn Minh Trang, một cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tìm đến và nói với Trinh về dự án photo voice, em sẽ được trao một chiếc máy ảnh để tự mình ghi lại những gì hai bà cháu trải qua hàng ngày.

Trẻ em mưu sinh trên đường phố kể chuyện đời mình qua nhiếp ảnh ảnh 2Cô bé Đào Phương Trinh được tham gia một lớp đào tạo kỹ năng, giúp em tự tin hơn trong cuộc sống.

Điều đầu tiên em chụp lại là hình ảnh bà nội của mình, sau đó là túp lều nơi hai bà cháu sinh sống. Trinh nói em đã chụp rất nhiều, không nhớ là tổng số bao nhiêu bức ảnh nữa. Sau đó cô Trang giúp em chọn ra những bức ảnh để trưng bày tại triển lãm, cùng với một số hình ảnh do các cán bộ xã hội chụp.

Câu chuyện bằng hình ảnh của Trinh đã mang những màu sáng tươi sáng hơn, khi em được đi học, hai bà cháu cũng được Hội và địa phương hỗ trợ để có thể thuê nhà ở.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, Trinh cho biết em còn thích được học múa hát và học võ để có thể tự vệ, không bị người khác bắt nạt.

“Em được tham gia một lớp học để giúp trẻ em gái tự tin hơn trong cuộc sống, em đã có những trải nghiệm rất vui,” Trinh chia sẻ.

Trẻ em mưu sinh trên đường phố kể chuyện đời mình qua nhiếp ảnh ảnh 3Hai bà cháu trong túp lều dựng tạm. Ảnh do em Đào Phương Trinh chụp.

Lê Thanh Sơn sinh năm 2005 ở Đắk Nông có hoàn cảnh gia đình phức tạp. Em bỏ nhà ra thành phố mưu sinh. Sau một thời gian lang thang qua nhiều tỉnh thành, em về đến Hà Nội. Ghế đá ở cổng đền Ngọc Sơn là nơi em ngủ hàng đêm.

"Sau cuộc gặp gỡ với anh Tính, cán bộ xã hội, cuộc đời em đã thay đổi và tìm lại được niềm tin. Em đang học biểu diễn xiếc và sau này muốn làm công tác xã hội giúp đỡ được nhiều người. Vì mơ ước đó em sẽ chăm chỉ tập luyện,” Sơn chia sẻ.

Còn rất nhiều những hình ảnh chụp chiếc ghế đá, cây ATM, bốt bảo vệ bỏ hoang, gầm cầu - nơi những em nhỏ trú ngụ. Những bức ảnh ngô nghê, chỉ đơn thuần là sự vật, không có người, nhưng lại có thể cất lên cả ngàn tiếng nói.

Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhận xét: “Triển lãm giúp chúng ta thêm hiểu và cảm thông cho những số phận thiệt thòi ấy. Đồng thời mỗi chúng ta cần thấy được vai trò của mình trong việc nuôi dạy, giúp đỡ, và phát triển toàn diện trẻ em, làm thế nào để trẻ cảm thấy an toàn trong chính gia đình của mình và trong cộng đồng.”

“Triển lãm không chỉ phản ánh chân thực cuộc sống, tuyên truyền về cuộc sống của trẻ em trên đường phố, mà còn mang tính giáo dục cao. Tôi tin rằng nhiều bậc phụ huynh sẽ đưa con mình đến tham quan triển lãm, để biết thông cảm, sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, và biết trân trọng những gì mình đang có,” bà nói thêm.

Triển lãm khép lại như một câu chuyện có hậu, khi những đứa trẻ như Trinh và Sơn cũng có được một cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Cùng sự phối hợp của các tổ chức nước ngoài, một số em còn có cơ hội học tiếng Anh và đi du học. Các em sẽ trưởng thành và đồng hành giúp đỡ những trẻ em khác, tiếp tục truyền cảm hứng cho tất cả mọi người để viết tiếp những ước mơ.

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 2/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, bảo tàng sẽ cập nhật triển lãm trên website chính thức trong tháng này./.

Trẻ em mưu sinh trên đường phố kể chuyện đời mình qua nhiếp ảnh ảnh 4Bốt bảo vệ bỏ hoang, nơi trú ngụ của một em nhỏ tham gia dự án.
Trẻ em mưu sinh trên đường phố kể chuyện đời mình qua nhiếp ảnh ảnh 5Những hình ảnh do các em chụp được phóng lên pano lớn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Trẻ em mưu sinh trên đường phố kể chuyện đời mình qua nhiếp ảnh ảnh 6Vài hình ảnh trong triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục