Trẻ Indonesia đang đối mặt với nạn suy dinh dưỡng

Trẻ em Indonesia đang phải đối mặt với thách thức lớn từ nạn suy dinh dưỡng, mặc dù sức khỏe của bà mẹ mang bầu được cải thiện đáng kể.
Dữ liệu từ bản báo cáo xuất bản ngày 14/5 của Cơ quan chiến dịch sức khỏe trẻ em quốc tế cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của trẻ em Indonesia đang phải đối mặt với thách thức lớn từ nạn suy dinh dưỡng, mặc dù sức khỏe của bà mẹ mang bầu đã được cải thiện đáng kể.

Theo báo cáo năm 2012 về tình trạng Các bà mẹ trên thế giới phát hành trong tuần này bởi tổ chức phi chính phủ "Save the Children" thì Indonesia hiện xếp thứ 70 trong số 83 quốc gia nằm trong Chỉ số Xếp hạng Trẻ em (Child Rank Index).

Đất nước này cũng xếp thứ 46 trong tổng số 81 quốc gia trong Bảng xếp hạng chỉ số phụ nữ.

Tình trạng sức khỏe trẻ em Indonesia xếp hạng ở mức thấp là do nạn suy dinh dưỡng quá phổ biến, đã khiến tỉ lệ trung bình về số lượng trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc nghiêm trọng lên đến 40% .

Báo cáo trên cũng lưu ý rằng Indonesia đang nằm trong số các nước "đang có hiệu suất thấp (về dinh dưỡng trẻ em) liên quan đến tài sản quốc gia (GDP).

Ông Michel Anglade, giám đốc vận động và phụ trách chiến dịch "Save the Children" cho biết trong những thập kỷ qua kinh tế đã tăng trưởng tốt trên khắp khu vực Đông Nam Á, nhưng các chính sách mạnh mẽ và các thương vụ đầu tư nhắm mục tiêu cải thiện sức khỏe bà mẹ-trẻ em, giáo dục và quyền lợi phụ nữ cũng rất cần thiết.

Báo cáo nhấn mạnh rằng "một vòng luẩn quẩn của các bà mẹ từng bị còi cọc hồi nhỏ, đã sinh ra những trẻ sơ sinh không đủ cân vì chúng đã không được nuôi dưỡng đầy đủ khi trong bụng mẹ."

Nếu các bà mẹ nghèo khổ lại làm việc quá sức, kém giáo dục và sức khỏe kém chắc chắn sẽ không đủ khả năng để nuôi con một cách đầy đủ. Sự còi cọc do suy dinh dưỡng khi trẻ trước 2 tuổi là điều không thể tránh khỏi.

Dù lệ tử vong ở trẻ em đã giảm mạnh tuy nhiên nạn suy dinh dưỡng và còi cọc vẫn là một vấn đề nan giải ở khu vực Đông Nam Á.

Bộ Y tế Indonesia thừa nhận tỷ lệ trẻ em còi cọc cao, và đã phân bổ khoảng 700 tỷ rupiah (khoảng 6.300.000 USD)/năm để khắc phục vấn đề này. Chính phủ đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ còi cọc dưới 5 tuổi xuống 32% trong năm 2012./.

Thạch Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục