Trên 17.500 học sinh trượt tốt nghiệp trung học phổ thông

Tỷ lệ tốt nghiệp năm 2014 của 64 tỉnh thành trên cả nước là 99,02% với hệ trung học phổ thông và 89,01% với hệ giáo dục thường xuyên. Với kết quả trên, cả nước có 17.586 thí sinh trượt tốt nghiệp.
Trên 17.500 học sinh trượt tốt nghiệp trung học phổ thông ảnh 1Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Theo thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trưa nay, 19/6, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của 64 tỉnh thành trên cả nước là 99,02% với hệ trung học phổ thông và 89,01% với hệ giáo dục thường xuyên.

Với kết quả trên, cả nước có 17.586 thí sinh trượt tốt nghiệp, trong đó bao gồm 8.043 thí sinh trung học phổ thông và 9.543 thí sinh giáo dục thường xuyên.

Như vậy, so với năm ngoái, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay tăng nhẹ ở hệ trung học phổ thông (0,05%) và tăng khá mạnh ở hệ giáo dục thường xuyên (gần 11%).

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 được tổ chức thống nhất trên cả nước từ ngày 2 đến ngày 4/6.

So với những năm trước, kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới từ khâu chọn môn thi, tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi đến cách xét công nhận tốt nghiệp. Cụ thể, thay vì thi 6 môn bắt buộc như mọi năm, năm nay thí sinh chỉ phải thi 4 môn, trong đó có hai môn tự chọn. Các phòng thi không trộn thí sinh của nhiều trường mà ngồi riêng từng trường. Đề thi được ra theo hướng mở, gắn nhiều với các vấn đề xã hội, yêu cầu thí sinh trình bày hiểu biết, suy nghĩ bản thân hơn là kiểm tra kiến thức học thuộc thuần túy như trước đây.

Với một đề thi mở, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các hướng dẫn chấm tương đối linh hoạt chứ không chỉ là những đáp án cứng nhắc rập khuôn. Đặc biệt, việc xét công nhận tốt nghiệp được đổi mới, theo đó, điểm thi chỉ chiếm 50% trọng số, 50% còn lại là điểm học lực lớp 12.

Năm nay, Bộ cũng đổi quy định về điểm liệt, từ 0 điểm như mọi năm nâng lên thành 1 điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, những đổi mới của kỳ thi năm nay nằm trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, hướng đến đánh giá năng lực người học thay vì những kiến thức sách vở, thuộc lòng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục