Trên 33 triệu USD cho chương trình giảm nghèo ở Hà Giang

Chương trình được triển khai nhằm nâng cao thu nhập, giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo nông thôn tại các xã mục tiêu của chương trình thuộc tỉnh Hà Giang một cách bền vững.
Trên 33 triệu USD cho chương trình giảm nghèo ở Hà Giang ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, cho biết 30 xã thuộc năm huyện của tỉnh Hà Giang đã được Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (gọi tắt là chương trình CPRP) do Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đầu tư trên 33 triệu USD trong thời gian năm năm từ 2015-2020.

Năm huyện được đầu tư gồm Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình.

Trong số tiền trên, vốn ODA của Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) 20 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam gần 9,5 triệu USD; vốn đóng góp của các bên hưởng lợi trên 4,2 triệu USD.

Chương trình được triển khai nhằm nâng cao thu nhập, giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo nông thôn tại các xã mục tiêu của chương trình thuộc tỉnh Hà Giang một cách bền vững. Theo đó, chương trình phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ giảm được 50% số hộ nghèo và giảm 30% tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tại 30 xã triển khai thực hiện, đồng thời cải thiện sinh kế ngang bằng giữa hộ do nữ giới làm chủ hộ và hộ do nam giới làm chủ hộ.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, đây là chương trình có tính phức tạp và nhiều điểm mới, có sự kết hợp giữa chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa mang lại tính khả thi cao. Ngay sau khi ra mắt vào đầu tháng Hai, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban điều phối Chương trình cùng năm huyện, 30 xã được thụ hưởng và các doanh nghiệp sẽ triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng Hà Giang phát triển bền vững.

Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 6/11 huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm trong số 61 huyện của cả nước được thụ hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của sáu huyện trên là trên 50%; thu nhập bình quân trên 3,6 triệu đồng/người/năm; có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đường giao thông khó khăn, địa hình chia cắt, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục