Trên 50% báo lỗ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đa cấp rất thấp

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất thấp, đóng góp thực sự của các doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước không đáng kể.
Trên 50% báo lỗ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đa cấp rất thấp ảnh 1Một trong những doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị rút giấy phép hoạt động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất thấp, đóng góp thực sự của các doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước không đáng kể, chủ yếu đến từ thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả, không phải từ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chỉ 11 doanh nghiệp lợi nhuận dương

Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh cho thấy, tính đến đầu năm 2016, có 67 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, nhưng đến cuối tháng 3/2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm xuống còn 37 doanh nghiệp, (tương đương mức giảm 45% so với cuối năm 2015).

Trong số này, có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 12 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 3 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

​Ngoài ra, theo số liệu báo cáo của 37 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2016 là 637.637 người, giảm 212.363 người, tương đương giảm 25% so với cuối năm 2015.

​Đáng chú ý, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2015, tương đương mức giảm khoảng 2,5%.

Trong số đó, doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng là 59% và mỹ phẩm là 24%. Ngoài ra, doanh thu từ đồ gia dụng chiếm 6,6%, doanh thu từ quần áo thời trang chiếm 2%, doanh thu từ thiết bị chiếm 0,5%, còn lại 8,2% là các mặt hàng khác.

Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 31% tổng doanh thu toàn ngành. Trong đó, giá trị khuyến mại quy đổi thành tiền đạt khoảng 44 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế.

Lợi nhuận sau thuế của ngành chỉ đạt 177 tỷ, tương ứng 2,2% doanh thu. Trong tổng số 37 doanh nghiệp thực hiện báo cáo, chỉ có 11 doanh nghiệp đạt lợi nhuận dương. Tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2016 ước đạt 881 tỷ đồng.

"Một số doanh nghiệp có doanh thu rất cao nhưng tỷ lệ lợi nhuận trước thuế rất thấp, chỉ đạt từ 0,5% đến 3,8%," đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho hay.

Thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/tháng

Mặc dù số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp giảm mạnh trong năm 2016 với mức giảm lên tới 45% và số lượng người tham gia bán hàng đa cấp cũng giảm tới 25% nhưng theo Cục Quản lý cạnh tranh, doanh thu toàn ngành chỉ giảm khoảng 200 tỷ đồng (khoảng 2,5%), điều này cho thấy, phản ứng của xã hội đối với các hành vi đa cấp bất chính hầu như không ảnh hưởng tới doanh thu toàn ngành.

Trong khi tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tuy lớn về giá trị tuyệt đối nhưng nếu chia đều cho gần 640 ngàn người tham gia hệ thống thì thu nhập bình quân của người tham gia bán hàng đa cấp là rất không đáng kể, chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/người/năm.

Điều này cho thấy trong số gần 640 ngàn người tham gia bán hàng đa cấp, chỉ có một tỷ lệ nhỏ là người bán hàng, số còn lại hầu như không tham gia bán hàng.

Nói thêm về lĩnh vực này, theo Cục Quản lý cạnh tranh thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất thấp. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp chỉ đạt trung bình 2,2% và có trên 50% doanh nghiệp báo cáo lỗ.

Từ thực tế này nên đóng góp thực sự của các doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước không đáng kể, chủ yếu đến từ thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả, không phải từ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cơ quan này cho biết, do hoạt động bán hàng đa cấp dựa chủ yếu vào thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 83% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 59%). và đây là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật, vì vậy, rất dễ xảy ra tình trạng giá bán hoàn toàn thoát ly giá trị cũng như giá trị sử dụng.

"Tuy các giao dịch đều được thực hiện trên nguyên tắc "thuận mua, vừa bán", nhà nước không thể can thiệp. Vì vậy, người tiêu dùng cần lưu ý, chủ động tìm hiểu giá trị thật của sản phẩm trước khi mua hàng," Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo.

Từ thực tế trong thời gian qua, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ ra nhiều tồn tại của hoạt động bán hàng đa cấp, thậm chí đã có những biến tướng, dẫn đến lừa đảo như tham gia bán hàng nhưng không có hàng, hoặc nấp dưới danh nghĩa bán hàng hóa theo phương thức đa cấp để huy động tài chính...

Trong khi đó, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của địa phương còn hạn chế, nhiều nội dung doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật nhưng Sở Công Thương các địa phương không có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Chính vì vậy, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ để sửa các nghị định liên quan đến hoạt động quản lý bán hàng đa cấp như Nghị định số 124/2015/NĐ-CP (Nghị định số 185/2013/NĐ-CP cũ) theo hướng tăng mức xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp và bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm của địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục