Trên 70% doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ lao động giữa dịch COVID-19

Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết, buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã có biện pháp hỗ trợ người lao động trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Nhiều doanh nghiệp đã có biện pháp hỗ trợ người lao động trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hầu hết các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đã tích cực và chủ động triển khai nhiều biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương; đồng thời, nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, để thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa duy trì sản xuất, kinh doanh đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện đã có 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo đưa ra những giải pháp phù hợp, kịp thời trong việc sử dụng lao động.

[Sẽ có các gói hỗ trợ trước mắt cho nhiều nhóm đối tượng khó khăn]

Đến nay, đã có trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động; 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng đã giảm giờ làm; 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo lại nhân lực; 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà.

Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết, buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.

Trước thực trạng dịch bệnh chưa có dấu hiệu được khống chế và tỷ lệ nhiễm bệnh vẫn liên tục tăng cao, VCCI đã có văn bản kiến nghị các đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cần bảo đảm được tiếp cận các gói giải pháp hỗ trợ theo các mức độ ảnh hưởng khác nhau; chú trọng các ngành, lĩnh vực, khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều từ dịch như: ngành hàng không, dệt may, da giày, logistic, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh…

Bởi hiện nay, theo hướng dẫn của các bộ, ngành thì mới chỉ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại về doanh thu, thiệt hại về tài sản trên 50% và có số lao động mất việc trên 50%...

Theo VCCI, có sự thống nhất các đầu mối thông tin phổ biến kịp thời các chỉ đạo và cơ chế chính sách từ Chính phủ, từ các bộ, ngành tới doanh nghiệp dưới hình thức trực tuyến qua mạng, email… để doanh nghiệp có thể tiếp cận được ngay khi có các chỉ đạo và văn bản mới.

Bên cạnh đó, ông Vũ Tiến Lộc cũng đề xuất, các ngành chức năng sớm tổ chức việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước, đánh giá nhanh và tổng kết tình hình thực tiễn ở các địa phương, các doanh nghiệp để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp và người lao động trong điều kiện dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục