Tri ân đội hùng binh Hoàng Sa kiêm Trường Sa

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - hoạt động tâm linh của người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã có từ hàng trăm năm trước.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, được tổ chức vào giữa tháng Hai đến giữa tháng Ba âm lịch hàng năm, là hoạt động tâm linh của người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã có từ hàng trăm năm trước.

Lễ được tổ chức trang nghiêm với sự tham gia của cả cộng đồng cư dân trên đảo nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã xả thân để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã in sâu vào trong tâm trí của mỗi người dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Cũng vì lẽ đó, trong kế hoạch tổ chức Festival biển đảo dự kiến vào năm 2012 nhân kỷ niệm 180 năm Quảng Ngãi được thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngành văn hóa-thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi đề xuất lấy Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa làm hạt nhân trong các hoạt động chào mừng lễ hội.

Một trong những lễ nghi truyền thống quan trọng nhất trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là hoạt động thả thuyền. Đó là những chiếc thuyền được mô phỏng theo kiểu thuyền câu của ngư dân huyện đảo cách đây hàng trăm năm, bên trong thuyền có hình nhân thủy binh hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa với các vật dụng tùy thân.

Một trong những bậc cao niên và có uy tín đặc biệt giữ vai trò chính trong quá trình đóng thuyền phục vụ trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghệ nhân Võ Hiển Đạt - được mệnh danh là người đóng thuyền chở những linh hồn.

Gặp nghệ nhân Võ Hiển Đạt và các bậc cao niên ở huyện đảo Lý Sơn tại đình làng An Vĩnh khi các cụ được lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi mời để tham khảo ý kiến về việc duy tu nâng cấp đình làng, nơi thờ tự vong linh các hùng binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa, cụ cho hay đóng những chiếc thuyền theo nguyên mẫu những chiếc thuyền câu năm xưa để dùng trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là công việc trọng đại được các dòng họ tiền hiền và hậu hiền ở huyện đảo Lý Sơn tín nhiệm giao cho các cụ.

Trước ngày diễn ra lễ khoảng vài tháng, các cụ tề tựu về đình làng An Vĩnh để cùng với các chức sắc trong làng, trong huyện bàn bạc, chọn ngày lành tháng tốt làm lễ “khởi công” đóng thuyền. Ngày giờ được định đoạt xong, mỗi người một việc bắt tay vào việc chế tác.

Cụ Đạt cho biết, tuy không có nhiều yêu cầu khắc khe về yếu tố kỹ thuật như đóng tàu đi biển thật nhưng quá trình làm những chiếc thuyền phục vụ lễ khao lề cũng có những chuẩn mực riêng. Chẳng hạn như việc lấy đất sét trên đỉnh núi Thới Lới về nặn ra những hình nhân thế mạng, tượng trưng cho những người lính, được giao cho cánh thanh niên trai tráng trong làng.

Những thanh niên này phải khỏe mạnh, có lối sống đẹp, người nào có chút “tì vết” trong cuộc sống thường nhật sẽ không được tham gia. Những người khác có uy tín hơn được giao nhiệm vụ tìm kiếm các chất liệu để đóng thuyền. Đặc biệt, những người trực tiếp tham gia chế tác thuyền phải là người cao niên, có uy tín trong các dòng tộc, xóm làng.

Những quy định bất thành văn ấy được các thế hệ cư dân trên đảo từ bao đời nay lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Sau hơn một tháng tận tâm làm việc, những chiếc thuyền phục vụ lễ được thực hiện xong. Mỗi chiếc có chiều dài 4m, rộng 1,2m, cao gần 1m, chia làm ba khoang và được đặt ở nơi trang trọng nhất của đình làng, chờ ngày “hạ thủy.”

Cụ Đạt tâm sự tuy chỉ là những chiếc thuyền phục vụ ngày lễ nhưng với cả cộng đồng cư dân trên đảo, đó là những chiếc thuyền chở nặng tấm lòng tri ân công đức của hậu thế đối với các bậc tiền nhân.

Cùng với những chiếc thuyền là những hình nhân thế mạng. Tuy là hình nhân thế mạng nhưng khi được đưa xuống thuyền thì trong ý thức sâu xa của mỗi người, những hình nhân này đều có linh hồn của những con người vệ quốc vong thân. Những linh hồn ấy cùng với những chiếc thuyền buồm bé nhỏ hòa vào lòng biển cả, tái hiện một cách sinh động hình ảnh của những hùng binh năm xưa đã không quản ngại đường xa, bão tố lên đường thực thi nhiệm vụ thần dân đối với sự vẹn toàn của giang sơn Tổ quốc.

Có lẽ sự tri ân của hậu thế đối với các bậc tiền nhân là một trong những lí do để Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trường tồn trong tâm trí của mỗi người dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung./.

Đoàn Hữu Trung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục