Ngày 15/10, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và thẳng thắn đã được các nhà trí thức, nhà khoa học kinh tế và quản lý của thành phố đóng góp tại hội thảo.
Mở rộng và phát huy dân chủ
Theo Tiến sỹ Phạm Minh Trí, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những vấn đề lớn đặt ra tại kỳ Đại hội lần này, cũng như với thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là vấn đề dân chủ: “Trong điều kiện Đảng vừa là Đảng lãnh đạo, vừa là Đảng cầm quyền, Đảng cần nắm vững ngọn cờ dân chủ, có bản lĩnh mở rộng và phát huy dân chủ, trước hết là mở rộng dân chủ trong Đảng để củng cố, tăng cường đoàn kết và sự đồng thuận trong Đảng, mở rộng dân chủ ngoài xã hội và trong phát triển kinh tế.
Đảng cầm quyền mà phát huy dân chủ đúng mức theo yêu cầu của cuộc sống xã hội, công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, luôn nắm chắc ngọn cờ dân chủ, sẽ có nhiều cơ hội ngăn ngừa nguy cơ bệnh quan liêu, độc đoán, tham nhũng trong bộ máy nhà nước, củng cố lòng tin và sự đồng thuận xã hội. Đảng phải có bản lĩnh trong việc mở rộng và phát huy dân chủ, đồng thời xử lý không khoan nhượng những người lợi dụng dân chủ chống phá Đảng và Nhà nước.
Chúng ta có hơn 3 triệu đảng viên, đông đảo quần chúng nhân dân tin theo Đảng nên không có cơ sở để lo ngại trình độ dân trí hay lý do nào khác khi phát huy và mở rộng dân chủ để có thể bác bỏ luận điệu phải đa đảng mới có dân chủ. Một đảng vẫn có thể phát huy và mở rộng dân chủ đúng mức nếu có bản lĩnh, nắm chắc ngọn cờ dân chủ sẽ có thể chiếm được trọn vẹn lòng tin và sự đồng thuận xã hội.
Ngược lại, nếu chúng ta không thực sự phát huy và mở rộng dân chủ theo đòi hỏi của cuộc sống, công cuộc đổi mới, của xã hội, xa rời quần chúng, không chỉnh đốn và nâng cao năng lực lãnh đạo theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sa vào bệnh quan liêu, độc đoán, thoái hóa biến chất thì có thể phải đối mặt với nguy cơ: Niềm tin và sự đồng thuận xã hội giảm sút đối với sự lãnh đạo của Đảng.”
Đặt câu hỏi “Tiến tới đại hội của dân chủ, được không?” Giáo sư Trần Đình Bút, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Hiệu trưởng Phân hiệu Trường quản lý cao cấp Trung ương cho rằng cần nêu cao dân chủ ngay trong đại hội, hình thành một đại hội của dân chủ, mở đường xây dựng truyền thống dân chủ trong xã hội.
Đề cập đến việc học tập tư duy dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo sư Trần Đình Bút nhấn mạnh: “Người tốt đã học thực tâm. Nhưng cũng có nhiều người học giả dối quá, họ rất giỏi 'nói theo' nhưng không 'làm theo,' nói hay nhưng hành động kiểu thực dụng, tận dụng 'thời cơ nhiệm kỳ,' vơ vét, vun vén cá nhân, trái ngược với đạo đức và tư duy dân chủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở.
Nguyên tắc tập trung dân chủ đã biến tướng thành tập trung quan liêu, dân chủ giả hiệu, nên tệ tham nhũng, mua quan bán chức, học giả bằng thật, có môi trường phát triển. Điều mà tôi thấy thấm thía, tâm đắc nhất theo tư duy dân chủ Hồ Chí Minh tập trung ở hai điểm.
Một là, cái Tâm của Người, toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai là, tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược trong quá trình hoạt động của Người. Những diễn biến trong và ngoài nước những năm tháng gần đây ngày càng chứng tỏ cả cái Tâm và cái Tầm, phương pháp tư duy dân chủ, cầu thị, biện chứng và trí tuệ thiên tài của Người.”
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
“Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 phải là chiến lược trên tinh thần khoan sức dân” - Phó giáo sư Đào Công Tiến, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý Việt Nam nhấn mạnh.
Đi sâu vào vấn đề, phó giáo sư cho rằng: “Không thể cứ 'kiên định' một cách máy móc 'công hữu hóa (sở hữu toàn dân và tập thể) là nền tảng của nền kinh tế quốc dân' và 'kinh tế Nhà nước là chủ đạo' để tiếp tục chi phối mô hình kinh tế tổng quát mà chiến lược phải theo.
Mô hình kinh tế tổng quát mà chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 phải theo là mô hình với các đặc trưng cơ bản: kinh tế thị trường hiện đại (đỉnh cao của sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường mà Đổi Mới đã chọn ngay từ những ngày đầu đến nay); hai chế độ sở hữu (công hữu và tư hữu), ba khu vực kinh tế (công, tư và hỗn hợp), với các chủ thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh; không nói 'công hữu hóa là nền tảng' và cũng không nói 'kinh tế Nhà nước là chủ đạo,' mà chỉ xác định đúng mức vai trò của Nhà nước pháp quyền đối với nền kinh tế thị trường hiện đại Việt Nam; thực thi dân chủ trong kinh tế mà vấn đề cốt lõi trong đó là quyền của người dân và thực quyền kinh doanh của doanh nghiệp; liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế.”
Phó giáo sư Đào Công Tiến nhấn mạnh thêm: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng, được coi là các đột phá chiến lược. Điều này có thể coi là đúng, nhưng sẽ không dễ dàng thực hiện nếu không tháo gỡ những rào cản, những vướng mắc từ thể chế chính trị, xã hội hiện hành còn mang nặng những dấu ấn bất cập từ sự nhận thức và vận dụng học thuyết Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội.”
Chỉ ra trong thực tế phát triển nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp Nhà nước (theo chế độ sở hữu toàn dân, được Nhà nước đầu tư 100% và bổ nhiệm cán bộ quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh) đã gặp ngày càng nhiều khó khăn, thử thách, hoạt động thiếu hiệu quả, thậm chí gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước, tiến sỹ-luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Đại học Gia Định, đề xuất nên cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp Nhà nước.
“Từ các hiện tượng không lành mạnh của các đơn vị kinh tế, kinh doanh Nhà nước (hiện nay phổ biến là công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà nước, Tập đoàn kinh tế Nhà nước, các loại hình doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, kể cả doanh nghiệp của quân đội) như làm ăn thiếu năng động, hiệu quả thấp, thậm chí nhiều thua lỗ, thất thoát, đầu tư từ ngân sách nhiều mà đóng góp cho ngân sách, cho xã hội không đáng bao nhiêu, được bao cấp, được tạo điều kiện độc quyền ở một số lĩnh vực, chi phối một số thị phần đặc biệt, thị phần lớn, gây ảnh hưởng xấu đến bình đẳng, công bằng trong cạnh tranh, cho thấy đa dạng hóa sở hữu, hỗn hợp sở hữu (theo dạng cổ phần hóa) một đơn vị kinh tế, một doanh nghiệp đối với các đơn vị kinh tế 100% vốn Nhà nước là cần thiết và sẽ đảm bảo hiệu quả, phù hợp với bản chất và thực tiễn nền kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” - Tiến sỹ Nguyễn Đăng Liêm nói rõ thêm./.
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và thẳng thắn đã được các nhà trí thức, nhà khoa học kinh tế và quản lý của thành phố đóng góp tại hội thảo.
Mở rộng và phát huy dân chủ
Theo Tiến sỹ Phạm Minh Trí, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những vấn đề lớn đặt ra tại kỳ Đại hội lần này, cũng như với thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là vấn đề dân chủ: “Trong điều kiện Đảng vừa là Đảng lãnh đạo, vừa là Đảng cầm quyền, Đảng cần nắm vững ngọn cờ dân chủ, có bản lĩnh mở rộng và phát huy dân chủ, trước hết là mở rộng dân chủ trong Đảng để củng cố, tăng cường đoàn kết và sự đồng thuận trong Đảng, mở rộng dân chủ ngoài xã hội và trong phát triển kinh tế.
Đảng cầm quyền mà phát huy dân chủ đúng mức theo yêu cầu của cuộc sống xã hội, công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, luôn nắm chắc ngọn cờ dân chủ, sẽ có nhiều cơ hội ngăn ngừa nguy cơ bệnh quan liêu, độc đoán, tham nhũng trong bộ máy nhà nước, củng cố lòng tin và sự đồng thuận xã hội. Đảng phải có bản lĩnh trong việc mở rộng và phát huy dân chủ, đồng thời xử lý không khoan nhượng những người lợi dụng dân chủ chống phá Đảng và Nhà nước.
Chúng ta có hơn 3 triệu đảng viên, đông đảo quần chúng nhân dân tin theo Đảng nên không có cơ sở để lo ngại trình độ dân trí hay lý do nào khác khi phát huy và mở rộng dân chủ để có thể bác bỏ luận điệu phải đa đảng mới có dân chủ. Một đảng vẫn có thể phát huy và mở rộng dân chủ đúng mức nếu có bản lĩnh, nắm chắc ngọn cờ dân chủ sẽ có thể chiếm được trọn vẹn lòng tin và sự đồng thuận xã hội.
Ngược lại, nếu chúng ta không thực sự phát huy và mở rộng dân chủ theo đòi hỏi của cuộc sống, công cuộc đổi mới, của xã hội, xa rời quần chúng, không chỉnh đốn và nâng cao năng lực lãnh đạo theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sa vào bệnh quan liêu, độc đoán, thoái hóa biến chất thì có thể phải đối mặt với nguy cơ: Niềm tin và sự đồng thuận xã hội giảm sút đối với sự lãnh đạo của Đảng.”
Đặt câu hỏi “Tiến tới đại hội của dân chủ, được không?” Giáo sư Trần Đình Bút, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Hiệu trưởng Phân hiệu Trường quản lý cao cấp Trung ương cho rằng cần nêu cao dân chủ ngay trong đại hội, hình thành một đại hội của dân chủ, mở đường xây dựng truyền thống dân chủ trong xã hội.
Đề cập đến việc học tập tư duy dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo sư Trần Đình Bút nhấn mạnh: “Người tốt đã học thực tâm. Nhưng cũng có nhiều người học giả dối quá, họ rất giỏi 'nói theo' nhưng không 'làm theo,' nói hay nhưng hành động kiểu thực dụng, tận dụng 'thời cơ nhiệm kỳ,' vơ vét, vun vén cá nhân, trái ngược với đạo đức và tư duy dân chủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở.
Nguyên tắc tập trung dân chủ đã biến tướng thành tập trung quan liêu, dân chủ giả hiệu, nên tệ tham nhũng, mua quan bán chức, học giả bằng thật, có môi trường phát triển. Điều mà tôi thấy thấm thía, tâm đắc nhất theo tư duy dân chủ Hồ Chí Minh tập trung ở hai điểm.
Một là, cái Tâm của Người, toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai là, tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược trong quá trình hoạt động của Người. Những diễn biến trong và ngoài nước những năm tháng gần đây ngày càng chứng tỏ cả cái Tâm và cái Tầm, phương pháp tư duy dân chủ, cầu thị, biện chứng và trí tuệ thiên tài của Người.”
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
“Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 phải là chiến lược trên tinh thần khoan sức dân” - Phó giáo sư Đào Công Tiến, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý Việt Nam nhấn mạnh.
Đi sâu vào vấn đề, phó giáo sư cho rằng: “Không thể cứ 'kiên định' một cách máy móc 'công hữu hóa (sở hữu toàn dân và tập thể) là nền tảng của nền kinh tế quốc dân' và 'kinh tế Nhà nước là chủ đạo' để tiếp tục chi phối mô hình kinh tế tổng quát mà chiến lược phải theo.
Mô hình kinh tế tổng quát mà chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 phải theo là mô hình với các đặc trưng cơ bản: kinh tế thị trường hiện đại (đỉnh cao của sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường mà Đổi Mới đã chọn ngay từ những ngày đầu đến nay); hai chế độ sở hữu (công hữu và tư hữu), ba khu vực kinh tế (công, tư và hỗn hợp), với các chủ thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh; không nói 'công hữu hóa là nền tảng' và cũng không nói 'kinh tế Nhà nước là chủ đạo,' mà chỉ xác định đúng mức vai trò của Nhà nước pháp quyền đối với nền kinh tế thị trường hiện đại Việt Nam; thực thi dân chủ trong kinh tế mà vấn đề cốt lõi trong đó là quyền của người dân và thực quyền kinh doanh của doanh nghiệp; liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế.”
Phó giáo sư Đào Công Tiến nhấn mạnh thêm: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng, được coi là các đột phá chiến lược. Điều này có thể coi là đúng, nhưng sẽ không dễ dàng thực hiện nếu không tháo gỡ những rào cản, những vướng mắc từ thể chế chính trị, xã hội hiện hành còn mang nặng những dấu ấn bất cập từ sự nhận thức và vận dụng học thuyết Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội.”
Chỉ ra trong thực tế phát triển nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp Nhà nước (theo chế độ sở hữu toàn dân, được Nhà nước đầu tư 100% và bổ nhiệm cán bộ quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh) đã gặp ngày càng nhiều khó khăn, thử thách, hoạt động thiếu hiệu quả, thậm chí gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước, tiến sỹ-luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Đại học Gia Định, đề xuất nên cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp Nhà nước.
“Từ các hiện tượng không lành mạnh của các đơn vị kinh tế, kinh doanh Nhà nước (hiện nay phổ biến là công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà nước, Tập đoàn kinh tế Nhà nước, các loại hình doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, kể cả doanh nghiệp của quân đội) như làm ăn thiếu năng động, hiệu quả thấp, thậm chí nhiều thua lỗ, thất thoát, đầu tư từ ngân sách nhiều mà đóng góp cho ngân sách, cho xã hội không đáng bao nhiêu, được bao cấp, được tạo điều kiện độc quyền ở một số lĩnh vực, chi phối một số thị phần đặc biệt, thị phần lớn, gây ảnh hưởng xấu đến bình đẳng, công bằng trong cạnh tranh, cho thấy đa dạng hóa sở hữu, hỗn hợp sở hữu (theo dạng cổ phần hóa) một đơn vị kinh tế, một doanh nghiệp đối với các đơn vị kinh tế 100% vốn Nhà nước là cần thiết và sẽ đảm bảo hiệu quả, phù hợp với bản chất và thực tiễn nền kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” - Tiến sỹ Nguyễn Đăng Liêm nói rõ thêm./.
Hoàng Liên Sơn (TTXVN/Vietnam+)