Triển khai 23 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn

23 phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn sẽ được triển khai tại 11 tỉnh thành thuộc Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, 23 phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn sẽ được triển khai tại 11 tỉnh thành thuộc Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên năm 2013.

Theo ông Lê Minh Quân, phụ trách Chương trình hàng Việt về nông thôn, trước tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn thì việc củng cố và mở rộng thị trường càng được doanh nghiệp quan tâm hơn, đặc biệt là thị trường nội địa, thị trường nông thôn.

Chương trình hàng Việt về nông thôn mở rộng đối tượng doanh nghiệp tham gia, ưu tiên cho các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao hoặc các doanh nghiệp đảm bảo tiêu chí của dự án; đồng thời tiếp nhận thêm các ngành hàng mà phiên chợ còn thiếu như điện gia dụng, hóa mỹ phẩm, dệt may, dược phẩm tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc kiểm tra đầu vào thật nghiêm, tránh những loại hàng giả, nhái, xuất xứ không rõ ràng.

Hiện số doanh nghiệp mới đăng ký tham gia phiên chợ tăng cao, nên ban tổ chức quyết định thực hiện tour tham quan, khảo sát phiên chợ hàng Việt về nông thôn lần đầu tiên dành cho doanh nghiệp mới và có nhu cầu tham gia.

Nhằm giúp giới trẻ nông thôn tiếp cận các hoạt động giao lưu bổ ích, khơi gợi nhiệt huyết, khát vọng cống hiến cho xã hội, làm giàu cho đất nước, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Tập đoàn Trung Nguyên thực hiện chuỗi diễn đàn giao lưu với chủ đề “Thanh niên nông thôn và khát vọng làm giàu.” Đây là một trong những hoạt động mới của Chương trình Hàng Việt về nông thôn năm 2013.

Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp)... cũng có các diễn đàn, tạo cầu nối cho các chuyên gia, doanh nghiệp Việt và giới trẻ nông thôn gặp gỡ trực tiếp, trao đổi kinh nghiệm từ nhiều câu chuyên khởi nghiệp thực tế, phương thức làm giàu, qua đó góp phần thổi lửa khát vọng làm giàu trên con đường lập nghiệp cho bạn trẻ nông thôn.

Nhiều doanh nghiệp nhận thấy thị trường miền núi, biên giới rất tiềm năng nhưng ngại mở rộng thị trường này do khó khăn về địa lý, giao thông nên hàng hóa không rõ nguồn gốc chiếm hầu hết thị phần. Nhưng khi đồng hành cùng những phiên chợ hàng Việt về nông thôn, đưa hàng hóa đến các địa bàn, nhiều doanh nghiệp đã có cái nhìn thực tế về thị trường tiềm năng này.

Sau phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, ông Đặng Công Vinh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Parvati cho biết thị trường có sức mua tốt, người dân miền núi ưu tiên chọn lựa sản phẩm giá tầm trung.

Theo các chuyên gia, nếu biết nắm bắt và thâm nhập thị trường miền núi, biên giới, doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi tạo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời giúp người dân nông thôn tiếp cận được hàng Việt chất lượng.

Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành cho thấy những hoạt động đổi mới, cải tiến, đưa vào phiên chợ không chỉ nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương mà chương trình còn tạo bước tiến mới trong việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.

Mỹ Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục