Triển khai 3G: Cơ hội lắm, thách thức nhiều!

Sau khi công bố các doanh nghiệp trúng tuyển 3G, việc triển khai công nghệ này đang là câu hỏi của thị trường đối với các doanh nghiệp.

Sau khi công bố các doanh nghiệp trúng tuyển 3G, việc triển khai công nghệ này đang là câu hỏi của thị trường đối với các doanh nghiệp.

Người tiêu dùng đang mong đợi những tiện ích của 3G với họ như truy cập Internet di động và các dịch vụ đa phương tiện (tải nhạc, mobile tivi, tải phim, tải game, chơi game trực tuyến, sách điện tử, báo chí) và video (video call, họp truyền hình, MMS, video message, push mail), thanh toán di động...

Còn Nhà nước, Chính phủ lại đặt kỳ vọng vào cú thúc công nghệ này để phát triển kinh tế, xã hội trên nền tảng của xã hội thông tin và Chính phủ điện tử.

Kỳ vọng

Những doanh nghiệp trúng tuyển đều đã đưa ra lộ trình cụ thể cho việc triển khai 3G. Theo đại diện của Viettel Telecom tại hội đàm "Triển vọng 3G" diễn ra ngày 22/4 ở Hà Nội, sau 9 tháng Viettel sẽ có vùng phủ trên toàn quốc, gồm cả thành thị và nông thôn với 5000 trạm phát sóng.

Với đánh giá tốc độ phát triển thuê bao 3G ở Việt Nam sẽ nhanh hơn với một số nước đi trước do dân số trẻ nên nhu cầu dịch vụ phát triển gia tăng nhiều hơn, Viettel dự kiến sau 2 năm sẽ có khoảng 5% thuê bao di động dùng 3G, tức khoảng 2,8 triệu thuê bao, và con số này sẽ tăng lên 30% sau 5 năm, đạt khoảng 20 triệu thuê bao.

Không kém cạnh, MobiFone khẳng định trong 3 tháng từ ngày nhận giấy phép sẽ đưa mạng 3G vào cung cấp, với khoảng 2000 trạm thu phát sóng. Họ cũng không giấu diếm tham vọng sẽ có doanh thu từ 3G sẽ không kém so với 2G, đặc biệt tại lĩnh vực chuẩn bị các dịch vụ nội dung cho khách hàng.

Đại diện Liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom thì cho biết, sẽ cung cấp dịch vụ toàn quốc trong vòng 9 tháng sau khi nhận được giấy phép. Trong 3 năm, liên danh sẽ đầu tư 5000 trạm để cung cấp dịch vụ trong toàn quốc. Mục tiêu của liên danh này là chiếm 15% thị phần 3G trong năm đầu tiên cung cấp, sau đó chiếm được 20-25% thị phần trong 3 năm.

Về phần mình, VinaPhone cam kết trong quý II/2009 sẽ cung cấp dịch vụ 3G. Trong năm 2009, lắp khoảng 3000 trạm phát sóng, tăng lên 10.000 trạm trong 3 năm và 15.000 trạm trong 5 năm. Về doanh thu, những năm đầu dự kiến tăng 5-10% doanh thu nhờ 3G, sau 3 năm tăng lên 20%.

Khó khăn chồng chất


Trong quá trình triển khai cấp phép 3G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu rất rõ ràng với các doanh nghiệp là cần đi nhanh để có thể đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới bởi Việt Nam đã đi sau các nước tới 7-8 năm.

Yêu cầu thứ 2 là vùng phủ sóng, phải đạt yêu cầu tối thiểu phải là 20% tại thời điểm cung cấp dịch vụ và không thấp hơn 70% sau 15 năm. Yêu cầu nữa là tiêu chuẩn công nghệ, chất lượng dịch vụ. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, khi sử dụng dịch vụ mobile Internet, phần lớn người dùng bỏ dịch vụ là do chất lượng không bảo đảm chứ không phải vì nội dung.

Để đáp ứng các yêu cầu này, áp lực của cạnh tranh sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị hạ tầng tốt, bởi khối lượng yêu cầu thực hiện rất nhiều.

Ngoài ra, chuyển sang 3G cần môi trường Internet băng rộng trong khi các đường truyền cũ không đủ đáp ứng nên các doanh nghiệp sẽ phải nâng cấp đường truyền.

Bên cạnh đó thiết bị đầu cuối 3G còn ít, giá máy còn cao hơn so với máy dùng công nghệ 2G, thị trường băng rộng di động giá rẻ mới được khởi xướng nhưng mức giá thiết bị đầu cuối khoảng 200 USD/máy còn hạn chế sẽ là những rào cản không nhỏ với các nhà cung cấp dịch vụ.

Theo số liệu của công ty Thế giới Di động, hiện tại hệ thống 30 cửa hàng trên toàn quốc của công ty bán ra hàng tháng khoảng 80.000 đến 100.000 máy. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có 3G và giá thiết bị còn cao nên lượng máy di động 3G chỉ chiếm 3-5% tổng số máy bán ra.

Nhưng khó khăn căn bản là cần phát triển nội dung số. Điểm khác giữa 2G và 3G là nội dung trên nền tảng công nghệ mạnh. Nếu vẫn chỉ quay lại với lướt web, với máy đầu cuối nhỏ cầm tay, sẽ chẳng thu hút nổi khách hàng. Yêu cầu đặt ra là các nhà cung cấp dịch vụ nội dung cần chuyển nội dụng trên web hiện nay cho di động.

Tất yếu và triển vọng

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng nhận định: Về lý thuyết, triển khai 3G sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề về dung lượng hiện tại cũng như giải quyết vấn đề tốc độ truy cập của các thuê bao di động và là cơ hội để đưa Internet đến mọi người dân.

Thực tế là trong những năm qua, Việt Nam đã rất cố gắng đưa Internet băng rộng đến các gia đình, nhưng cố gắng này rất chậm, nhu cầu còn rất nhiều. Duy trì tuyến cáp đồng đến từng khách hàng là khó khăn, chi phí cao. Với 3G, đây là khả năng tăng cường độ phủ của Internet và giảm giá thành dịch vụ.

3G cũng chính là giải pháp chia sẻ hữu hiệu lưu lượng hiện tại của 2G với băng tần 8MB của 2G hiện tại, giải quyết các khó khăn mà đa phần doanh nghiệp đang gặp phải trong vấn đề phát triển dung lượng để bổ sung nhu cầu.

Ngược lại, đối với công nghệ 3G, thị trường Việt Nam đang được đánh giá chín muồi bởi sự tham gia khá phong phú của các thành phần tại thời điểm này, từ các đơn vị cung cấp chipset đến các đơn vị cung cấp thiết bị cầm tay, thiết bị mạng đến các nhà cung cấp dịch vụ. Nếu các thành phần nêu trên đều nỗ lực triển khai 3G, sẽ tạo nên giá thành người dân chấp nhận được, và đây cũng chính là cơ hội để cất cánh cho 3G ở Việt Nam.

Lực kéo đẩy

Theo Thứ trưởng Thắng, không thể dùng con mắt hiện nay của mạng băng hẹp để đánh giá thị trường và tương lai của 3G mà "phải đặt mình ở tương lai để đánh giá."

Theo ông, với 3G có một cơ chế gọi là cơ chế “đẩy kéo”, tức là khi chúng ta đi trước một bước về công nghệ, nó sẽ kéo theo sự phát triển của một loạt các dịch vụ, ngành công nghiệp nội dung, ứng dụng… và ngược lại, khi các dịch vụ nội dung phát triển nó sẽ kéo theo sự phát triển của hạ tầng 3G. Và như vậy, chúng ta phải nhìn sự phát triển của 3G trong sự phát triển động chứ không phải trong trạng thái tĩnh như hiện nay.

Triển vọng 3G ở Việt Nam là rất lạc quan, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh: Mục tiêu của việc triển khai 3G được Bộ xác định quan trọng nhất là thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng.

Mục tiêu thứ 2 là tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Với việc phát triển ngành này, các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp thiết bị đầu cuối, doanh nghiệp cung cấp thiết bị mạng lưới và đặc biệt là ngành công nghiệp nội dung số phát triển.

Theo thứ trưởng Thắng, với 2G hiện có 137 nhà cung cấp dịch vụ nội dung, 4.000 đến 5.000 lao động, doanh thu 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, khi phát triển băng rộng và 3G, số lượng doanh nghiệp, số lượng lao động cũng như doanh thu của ngành này sẽ còn phát triển rất nhanh.

Trong kế hoạch phát triển năm tới của 2 doanh nghiệp là VNPT và Viettel sẽ có doanh thu khoảng 120.000 tỷ đồng. Nếu chỉ lấy 10% của con số phát triển này là của nội dung thì cũng sẽ hình dung được tốc độ phát triển của ngành này, ít nhất cũng là gấp đôi con số hiện nay.

"Trong năm 2008, mặc dù chỉ với băng hẹp 2G ngành công nghiệp này cũng đã có tốc độ tăng trưởng từ 30-35%," ông nói. "Khi hạ tầng băng rộng phát triển, tôi tin là ngành công nghiệp nội dung số sẽ có tốc độ tăng trưởng lên đến 50%."

Thứ trưởng Thắng cũng nhận định rằng 3G sẽ là tiền đề cho sự phát triển của các ứng dụng thương mại điện tử và chính phủ điện tử để từng bước hình thành một xã hội thông tin. Trong một xã hội thông tin, khối lượng thông tin trao đổi giữa người dân với người dân, người dân với doanh nghiệp hay với chính phủ sẽ rất lớn. Từ đó, mục tiêu cuối cùng là mục tiêu xa hơn nữa, sự phát triển của 3G sẽ đóng góp cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của GDP của đất nước./.

Hàn Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục