Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh VN tại đồng bằng sông Hồng

Chính phủ đã nhấn mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc văn hóa Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu.
Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh VN tại đồng bằng sông Hồng ảnh 1Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố ký chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Chiều 26/5, tại thành phố Hải Phòng, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban Tổ chức 248) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện 10 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình.

Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chính phủ đã nhấn mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc văn hóa Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, là một phần không thể tách rời trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia sáng tạo, khởi nghiệp; đồng thời xây dựng phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gắn với những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản, cấp thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp để phát triển bền vững.

Với vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn tích cực, trách nhiệm phối hợp với hiệp hội, các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững theo đúng quy định của pháp luật.

Việc triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam sẽ là cơ sở, tạo niềm tin vững chắc với cộng đồng doanh nghiệp trong lao động sản xuất, kinh doanh, khích lệ tính sáng tạo với những mô hình hay, cách làm mới để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có bước phát triển trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.

[Chính thức công bố Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam]

Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu về Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam và quy chế xét, công nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam," Ban Tổ chức 248 hướng dẫn cách thức tham gia xét “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”.

Ngoài ra đại biểu còn tham dự tọa đàm “Xây dựng thương hiệu bằng sứ mệnh xã hội” và ký kết chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa Ban Tổ chức 248 và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 10 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng.

Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia.

Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông.

Bộ tiêu chí gồm 2 phần với 5 điều kiện bắt buộc, 16 tiêu chí cụ thể và 40 chỉ số đánh giá, đo lường, là căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” hàng năm.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam đã thông tin về những thành tựu trong lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố đạt được trong thời gian qua.

Hải Phòng luôn giữ vị trí top đầu cả nước về chỉ số xếp hạng cải cách hành chính. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh, thu hút nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án lớn.

Hải Phòng cũng là một trong những địa phương của cả nước nhiều năm liền giữ vững vị trí trong top đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó phải kể đến các quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư lớn vào thành phố như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ...

Cùng với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước góp sức đáng kể cho sự phát triển đột phá về kinh tế của thành phố, điển hình như các tập đoàn Vingroup, Geleximco, Sun Group, Flamingo, BRG, Hoàng Huy, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Cổ phần May Diêm Sài Gòn.

Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam tin tưởng Bộ tiêu chí cùng với Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” sẽ góp phần tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, nhất là sau đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục