​Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với bão và mưa lũ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, đơn vị, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa lũ đảm bảo an toàn cho Tuần lễ Cấp cao APEC.
​Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với bão và mưa lũ ảnh 1Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tại Cuộc họp ứng phó với bão số 12 tổ chức sáng 3/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu, đơn vị, các địa phương thực hiện nghiêm Công điện 1659 ngày 1/11 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa lũ đảm bảo an toàn cho Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Các địa phương, lực lượng chức năng kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn; tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện lồng, bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn tuyệt đối.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị cần tập trung hướng dẫn người dân, các lực lượng tham gia chằng chống nhà cửa, kho tàng, bảo vệ trụ sở công trình, đặc biệt đối với công trình tháp cao; tổ chức chặt tỉa cành cây, hạn chế thiệt hại.

Chính quyền các cấp chỉ đạo, hướng dẫn bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, bố trí sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập, sạt lở đất, lũ quét, ngập lũ để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Các chủ hồ chủ động hạ mực nước để đón lũ, phối hợp điều tiết liên hồ chứa góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

[Bão số 12 gây mưa lớn, thủy điện Trị An xả lũ qua đập tràn]

Các địa phương khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa và hoa màu, nhất là vùng có nguy cơ bị ngập lũ, theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng," chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo chống úng. 

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. 

​Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với bão và mưa lũ ảnh 2Sơ đồ dự báo quỹ đạo của bão số 12. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng Phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, lực lượng Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 79.182 tàu/385.911 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão số 12 để chủ động di chuyển hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Các tàu đã nhận được thông tin về bão và di chuyển về bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

79.142 tàu/385.603 lao động đang hoạt động tại các vùng biển khác và neo đậu tại bến;  trong đó 4.566 tàu/33.371 lao động đang hoạt động ở khu vực biển khác, 74.576/352.232 lao động neo đậu tại bến.

Ngày 2/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo triển khai sơ tán dân cư tại các khu vực bị ngập lụt, chia cắt, vùng trũng thấp đến nơi an toàn với 759 hộ/1.958 người tại huyện Đồng Xuân.

Theo kế hoạch ứng phó với bão của các địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, tổng số người dự kiến di dời, sơ tán là 75.467 hộ/386.143 người (sơ tán tập trung 38.267 hộ/192.581 người, sơ tán tại chỗ 37.200 hộ/193.562 người).

Cụ thể, tỉnh Bình Định có 13.591 hộ/93.199 người sơ tán tại chỗ. Tỉnh Phú Yên có 22.376 hộ/85.086 người, trong đó sơ tán tập trung 10.793 hộ/39.948 người, sơ tán tại chỗ 11.583 hộ/45.138 người. Tỉnh Khánh Hòa có 20.591 hộ/92.795 người, trong đó sơ tán tập trung 14.721 hộ/14.721 người, sơ tán tại chỗ 5.870 hộ/28.431 người.

Tỉnh Ninh Thuận 18.299 hộ/79.854 người, trong đó sơ tán tập trung 12.143 hộ/53.060 người, sơ tán tại chỗ 6.156 hộ/26.794 người. Tỉnh Bình Thuận có 610 hộ/35.209 người sơ tán tập trung.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, mưa lũ từ ngày 1-2/11 đã làm 409 nhà ở huyện Đồng Xuân bị ngập từ 0,5-1m; 72 ha lúa vụ mùa, 600 ha hoa màu bị ngập úng, ngã đổ, 30 ha ruộng lúa bị xói lở, bồi đắp.

10. 504 m3 đất và hàng trăm mét bê tông kênh mương cấp I, II, III bị hư hỏng. 300 m3 đất đá bị sạt lở, bồi lấp trên các tuyến tỉnh lộ. Đến 11 giờ ngày 2/11, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã thông suốt. Tổng thiệt hại ước khoảng 6.625 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục