Triển khai giai đoạn 2 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện quyết liệt, đến nay Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Ngày 19/7, tại Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Chương trình hỗ trợ nhà ở lớn nhất, hiệu quả nhất và hợp lòng dân nhất

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản, nhấn mạnh đây là Chương trình hỗ trợ nhà ở lớn nhất, hiệu quả nhất kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới. Chương trình thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, chứng tỏ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Mặc dù kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn để hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo.

Nếu tính bình quân mỗi hộ có 4 người, Chương trình đã giúp 2 triệu người có nhà ở an toàn, ổn định. Với những ý nghĩa xã hội đặc biệt, Chương trình đã góp phần khơi dậy truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, đó là tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc người nghèo, biết ơn người có công; xây dựng tình cảm gắn bó, đoàn kết anh em, dòng họ…

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện một cách quyết liệt, đến nay Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đã có 9 tỉnh hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn sớm trước 2 năm và hầu hết các tỉnh khác đã hoàn thành Chương trình sớm trước 1 năm. Nhiều tỉnh có số lượng phải hỗ trợ rất lớn, đến nay đã hoàn thành hoặc đạt kết quả tốt như Thanh Hóa, Trà Vinh, Sóc Trăng…

Theo báo cáo từ các địa phương, đến đầu năm 2009, cả nước có 496.025 hộ nghèo thuộc diện đối tượng hỗ trợ nhà ở. Sau khi rà soát lại và bổ sung đối tượng theo Quyết định 67/2010/QĐ-TTg, tổng số hộ thuộc diện đối tượng thực tế phải hỗ trợ hiện nay là 539.540 hộ.

Ngay trong năm 2009, đầu năm 2010, Chương trình đã ưu tiên bố trí hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo và hộ là đồng bào Khmer tại khu vực Tây Nam Bộ. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ, đạt 102,2% so với số hộ phê duyệt ban đầu, đạt 94% so với số hộ thực tế phải hỗ trợ sau khi rà soát, bổ sung. Trong số hộ đã được hỗ trợ, có 224.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, đến nay, toàn Chương trình đã huy động được 12.653 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách từ Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn huy động khác. Đến nay, tổng số vốn đã giải ngân là 11.945 tỷ đồng (chiếm 94,4% so với số vốn đã huy động), số còn lại sẽ được giải ngân tiếp trong năm 2012.

Về chất lượng nhà ở, hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định. Diện tích căn nhà đa số từ 28-32 m2. Nhiều căn có diện tích từ 50-60m2. Nhà được xây dựng bằng vật liệu có chất lượng tốt: khung bằng bêtông cốt thép hoặc bằng gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói, fibro ximăng hoặc tôn; nền lát gạch hoặc láng ximăng… Giá thành đa số khoảng 25-28 triệu đồng/căn, nhiều căn có giá trị tới 50-60 triệu đồng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ xây dựng đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, trong đó có sự tham gia trực tiếp của Nhà nước, có sự hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở tại khu vực nông thôn hiện đang được triển khai có hiệu quả, trong đó có Chương trình hỗ trợ hộ nghèo tại khu vực nông thôn giai đoạn 2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa;… đều cho rằng chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo tại khu vực nông thôn có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn và đạt được kết quả khá toàn diện.

Để đạt được những kết quả như vậy là do Chương trình được thiết kế với những cơ chế, chính sách phù hợp, sát với thực tế; các thủ tục đơn giản, dễ thực hiện nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và trở thành phong trào sôi nổi, rộng rãi trên cả nước. Chương trình được tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền các tổ chức chính trị-xã hội của các địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố đến thôn, xã;…

Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương kiến nghị cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo tiến độ thực hiện của các địa phương; ngân hàng Chính sách xã hội phải chủ động huy động nguồn vốn (50%) để cho hộ nghèo vay làm nhà ở; đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ vùng khó khăn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung rà soát, bổ sung các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo quyết định số 167 và 67 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện, đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục tiêu; tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trung ương cũng như các địa phương trong thực hiện chính sách;…

Lãnh đạo nhiều địa phương cho biết hiện nay hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc thống kê hộ nghèo theo chuẩn mới, so với chuẩn nghèo mới, có nhiều hộ nghèo đang cần được hỗ trợ để cải thiện về nhà ở. Từ đó, đề nghị Bộ Xây dựng tham mưu với Chính phủ sớm ban hành Đề án hỗ trợ cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2012- 2015 để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời, cho rằng đối với vùng sâu, vùng xa, không thuận lợi về giao thông, việc xây dựng những ngôi nhà đảm bảo 3 cứng giá thành đội lên gấp nhiều lần so với những ngôi nhà tương tự ở những vùng có hệ thống giao thông thuận lợi; vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng có những giải pháp về thiết kế, về nguyên vật liệu làm nhà cho phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng.

Tái khẳng định Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, lãnh đạo của nhiều Bộ, ngành, địa phương đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai sâu rộng, hiệu quả Chương trình này giai đoạn 2.

Tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo có khó khăn về nhà ở.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Trong những năm qua, việc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Riêng chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đề ra ban đầu là hỗ trợ cho khoảng 500.000 hộ gia đình nghèo tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở. Đây là Chương trình hợp lòng dân, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ của cộng đồng, nỗ lực của người dân…

Bên cạnh Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 167, thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều Chương trình hỗ trợ nhà ở khác như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình tôn nền vượt lũ và nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long... Các Chương trình hỗ trợ nhà ở vừa qua đã giúp hàng triệu lượt hộ gia đình nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong khoảng 10 năm qua, diện tích nhà ở cả nước đã tăng gấp đôi; bình quân diện tích nhà ở theo đầu người cũng tăng gần gấp đôi (từ 9,68 m2/người năm 1999 đến nay đã đạt 19 m2/người). Chất lượng nhà ở đã được cải thiện. Cả nước hiện chỉ còn 15% số lượng là nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ, 85% là nhà bán kiên cố và kiên cố. Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo có khó khăn về nhà ở, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước mắt, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, các Bộ, ngành, chức năng cần phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho từng nhóm đối tượng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước đã nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở, như người có công, người nghèo, người thu nhập thấp… Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; nhà cho học sinh, sinh viên; nhà cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đối với Chương trình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu một số địa phương còn chưa hoàn thành kế hoạch của giai đoạn 1 của Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung chỉ đạo, có biện pháp, chương trình cụ thể để sớm hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2012.

Các địa phương đã hoàn thành giai đoạn 1, để triển khai có hiệu quả giai đoạn 2, cần tập trung vào khâu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và khâu tổ chức thực hiện; bảo đảm cơ chế, chính sách, biện pháp phải phù hợp với thực tế, có tính khả thi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành Đề án hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2011-2015) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý IV năm 2012 để triển khai thực hiện vào đầu năm 2013./.

Thiện Thuật - Thái Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục