Triển khai tháng vệ sinh và tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phát động "Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2018" trên toàn quốc, thời gian thực hiện đến hết ngày 31/3​ tới.
Triển khai tháng vệ sinh và tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 ảnh 1Lực lượng thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu vực chợ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phát động "Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2018" trên toàn quốc, thời gian thực hiện đến hết ngày 31/3​ tới.

Đây là hành động nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho người, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu chính quyền địa phương chỉ đạo, bố trí hố sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý.

Tại khu vực cửa khẩu biên giới, cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu bố trí hố sát trùng và thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu.

[Triển khai ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam]

Đồng thời, chính quyền cấp xã tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ, xóm, khu nhốt giữ động vật... việc phun thuốc khử trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch...

Những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan thú y.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2017 và tháng ​Một vừa qua, một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc và các bệnh động vật thông thường vẫn xuất hiện nhỏ lẻ, rải rác tại một số địa phương.

Mặc dù, các ổ dịch đã được cơ quan thú y và chính quyền địa phương kiểm soát tốt, không để lây lan diện rộng, nhưng, do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, mầm bệnh vẫn lưu hành rộng rãi tại nhiều địa phương; các hoạt động vận chuyển bất hợp pháp đối với động vật, sản phẩm động vật ngày càng tinh vi, khó kiểm soát dễ làm cho mầm bệnh phát tán rộng.

Bên cạnh đó, thời tiết lạnh và độ ẩm cao là môi trường lý tưởng cho mầm bệnh tồn tại và gây bệnh cho đàn vật nuôi; các hoạt động giết mổ động vật phục vụ lễ hội... do vậy nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan là rất lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục