Triển lãm ảnh chiến tranh Việt Nam tại nước Pháp

Triển lãm ảnh chiến tranh VN ở Pháp tổ chức nhân 40 năm nhiếp ảnh gia Nick Út, cho ra đời bức ảnh "Em bé napalm" chấn động thế giới.
Ngày 2/10, triển lãm ảnh mang tên "Trước, trong và sau chiến tranh ở Việt Nam" vừa diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp, nhân 40 năm nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Út, hay còn gọi là Nick Út, cho ra đời bức ảnh "Em bé napalm" gây chấn động toàn thế giới.

Với thông điệp chính là "Hòa bình cho thế giới", triển lãm có điểm nhấn là hình ảnh em bé Kim Phúc 9 tuổi với cơ thể đầy vết bỏng cố chạy trên đường quốc lộ để thoát khỏi ngôi làng đang ngùn ngụt cháy vì bom napalm của quân đội Mỹ.

Triển lãm cũng trưng bày khoảng 100 bức ảnh của tác giả Nick Út về chủ đề chiến tranh và hòa bình, hay nụ cười hạnh phúc trong cuộc sống hòa bình ở Việt Nam, mang đến cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, công chúng Pháp và quốc tế một cái nhìn đặc biệt cũng như những xúc động khó quên về Việt Nam.

Nhiều bà con Việt kiều sống và làm việc tại Paris khi xem triển lãm đều có chung nhận xét đây là một sự kiện rất quan trọng, giúp các thế hệ người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Pháp hiểu hơn về lịch sử quê hương, đất nước mình.

Bức ảnh "Em bé napalm", được nhiếp ảnh gia Nick Út chụp ngày 18/6/1972 tại huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), đã gây chấn động cả thế giới khi xuất hiện trên mặt báo.

Nhiều người xem bức ảnh đã khóc và một số người tâm sự rằng nhờ bức ảnh này mà họ quyết định không bao giờ đi lính, không bao giờ tham gia chiến tranh.

Bức ảnh đã mang lại cho ông Nick Út giải thưởng Pulitzer danh giá của Mỹ năm 1973, làm thay đổi cuộc đời của Kim Phúc (nay cô đã trở thành Đại sứ của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc - UNESCO), và làm thay đổi cách nhìn của thế giới về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ông Guy Kopelowicz, cựu đồng nghiệp với nhiếp ảnh gia Nick Út tại hãng tin AP, cho rằng "Em bé napalm" là "bức ảnh của thế kỷ", không chỉ miêu tả cuộc chiến tranh ở Việt Nam khi đó, mà còn lột tả nỗi đau đớn khó mường tượng mà người dân Việt Nam phải chịu đựng trong chiến tranh.

Tác giả Nick Út kể rằng hàng chục năm qua, ông đã đến rất nhiều nước nhưng ống kính của ông chưa bao giờ rời Việt Nam.

Cách đây mấy tháng, ông đã chụp và công bố nhiều bức ảnh về các em nhỏ Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Nhiều người nước ngoài khi xem những bức ảnh này của ông đã tỏ ý muốn gửi tiền ủng hộ các nạn nhân.

Ông đã thông báo cho họ biết Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) là địa chỉ tiếp nhận các "tấm lòng vàng" dành cho các nạn nhân nhỏ tuổi này.

Ông Nick Út cho biết sau triển lãm, các bức ảnh của ông sẽ được lưu giữ lại tại trụ sở UNESCO ở Paris./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục