Triển lãm "Giao thương Nhật-Việt trong lịch sử" tại Thừa Thiên-Huế

Triển lãm "Giao thương Nhật-Việt trong lịch sử" giới thiệu gốm Hizen hoa lam nổi tiếng của Nhật và các cổ vật của Việt Nam từng được thương nhân Nhật ưa chuộng.
Triển lãm "Giao thương Nhật-Việt trong lịch sử" tại Thừa Thiên-Huế ảnh 1Bộ sưu tập dòng đồ sứ màu nổi tiếng của Nhật Bản vào thế kỷ XVII-XVIII. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 27/2 tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức triển lãm "Giao thương Nhật-Việt trong lịch sử."

Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước.

Triển lãm "Giao thương Nhật-Việt trong lịch sử" giới thiệu đến công chúng sưu tập gốm Hizen hoa lam; sưu tập đồ sứ đại diện cho bốn dòng đồ sứ màu nổi tiếng của Nhật Bản vào thế kỷ XVII- XVIII, đó là Kakiemon, Imari, Kutani và Nabeshima; sưu tập gương đồng Nhật Bản do dòng họ Fujiwara lừng danh ở Nhật Bản chế tác vào cuối thế kỷ XVII đầu XVIII.

Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các cổ vật của Việt Nam từng là những mặt hàng được thương nhân người Nhật ưa chuộng như trầm hương, sừng tê giác.

Triển lãm giới thiệu một số văn thư trao đổi giữa chính quyền chúa Nguyễn với chính quyền Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVII; những hợp đồng mua bán hàng hóa giữa thương nhân Nhật Bản với thương nhân Việt Nam và phiên bản 3 bức tranh cuộn nổi tiếng phản ánh mối quan hệ thương mại mật thiết giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XVII-XVIII.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết quan hệ ngoại giao, thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XVI, nhất là trong thời kỳ mậu dịch châu ấn thuyền.

Đây là thời kỳ chính quyền Nhật Bản đã cấp châu ấn trạng cho nhiều thuyền buôn đến buôn bán, giao thương ở xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài. Thuyền buôn Nhật Bản nhập khẩu đồ sứ, đại bác, thuốc súng, giấy, các loại khoáng sản… vào Việt Nam; đồng thời mua đồ gốm, trầm hương, tơ tằm, các loại nông sản…từ Việt Nam đưa về Nhật Bản.

Đến thế kỷ XVII, chính quyền các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cho phép thương nhân Nhật Bản đến buôn bán ở Hội An (Quảng Nam) được định cư ở cảng thị này và lập phố người Nhật ở Hội An, tồn tại song hành với Phố Khách của người Hoa và các thương quán của người Hà Lan.

Triển lãm "Giao thương Nhật-Việt trong lịch sử" tại Thừa Thiên-Huế ảnh 2Đông đảo các nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước tham dự triển lãm. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Vào thời hoàng kim của hoạt động giao thương Nhật-Việt, các thương nhân kiều dân Nhật Bản ở Hội An có quyền tự trị, giữ vai trò lãnh sự và phiên dịch giữa thương nhân Nhật Bản với chính quyền địa phương; điều hành mạng lưới hãng buôn và kho hàng của người Nhật ở phố cảng; cung ứng nơi ở cho các thương nhân và thuyền viên người Nhật khi họ cập bến Hội An.

Triển lãm mở cửa đến ngày 5/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục