Triển lãm hơn 100 chiếc khăn thêu tay của nữ chiến sỹ cách mạng

Triển lãm "Kỷ vật thêu của nữ chiến sỹ cách mạng" giới thiệu hơn 100 chiếc khăn thêu tay của các nữ chiến sỹ cách mạng được hoàn thành trong những năm tháng chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Ngày 23/5, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Triển lãm "Kỷ vật thêu của nữ chiến sỹ cách mạng" giới thiệu hơn 100 chiếc khăn thêu tay của các nữ chiến sỹ cách mạng được hoàn thành trong những năm tháng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng đã phát huy tinh thần yêu nước, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc.

Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, phụ nữ miền Nam luôn tỏ rõ khí tiết của những người con đất Thành đồng.

Khi bị sa vào tay giặc, bị tra tấn cực hình, các mẹ, các chị vẫn giữ vững khí tiết sáng ngời của người chiến sỹ Cách mạng, lạc quan, không khuất phục, biến nhà tù thành trường học cách mạng góp phần đưa Cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng.

Bị địch giam cầm tù đày, bị tra tấn dã man, các chị, các mẹ vẫn một lòng hướng về Cách mạng và những người thân yêu. Tất cả tình cảm được các mẹ, các chị gửi gắm qua từng đường kim, mũi chỉ, những dòng tâm sự thể hiện trên những chiếc khăn tay, áo gối.

Qua bàn tay khéo léo của các nữ chiến sỹ, những chiếc khăn tay trở nên sống động hơn với các hình ảnh về chú chim bồ câu, khung cảnh làng quê Việt Nam, tình mẫu tử, phong cảnh Việt Nam...

Bà Nguyễn Thị Thắm khẳng định, các hiện vật đã cho thấy tinh thần của các chị, các mẹ dù trong ngục tù vẫn luôn tràn đầy niềm tin yêu, khát vọng về cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.

Tại triển lãm, khách tham quan được chiêm ngưỡng các kỷ vật như: Khăn thêu của bà Ngô Thị Huệ (nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) khi còn ở trong nhà lao; khăn tay và áo gối của bà Lê Tú Cẩm, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tại nhà tù Tân Hiệp năm 1969-1970; bức tranh thêu "Uyên ương thêu dở" của bà Nguyễn Thị Lựu (dì Tám Lựu) dành cho vị hôn phu đã hy sinh; tranh thêu "Mẹ con" của bà Bảy Cưỡng khi còn ở nhà tù Côn Đảo năm 1972...

Các kỷ vật được hình thành từ trong khói lửa chiến tranh đã giúp nhiều nữ chiến sỹ quên đi những nhọc nhằn, gian khổ để tiếp tục kiên cường đấu tranh.

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động, giúp người xem hình dung được cuộc đời, hồi ức của những người mà chiến công và sự hy sinh đóng góp của họ đã hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Triển lãm diễn ra đến ngày 30/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục