Triển lãm “Những con số” và sự kết nối quá khứ

Triển lãm đưa người xem vào một chiều kích nằm chênh vênh giữa hiện tại và quá khứ, thực tại và tưởng tượng, đời thường và tâm linh...
Triển lãm mỹ thuật “Những con số” của anh em nhà họ Lê, Lê Thanh và Lê Hải giống như sợi dây kết nối với quá khứ đã khai mạc vào chiều ngày 11/12 tại Làng nghề Huế-Trung tâm văn hóa Phương Nam, Thành phố Huế. Triển lãm sẽ kéo dài trong một tháng, kết thúc ngày 11/1/2012.

Triển lãm gồm ba tác phẩm: “Chén và đũa” là sắp đặt gồm 1.945 chén (bát ăn cơm) và 1.945 đôi đũa được sơn son thếp vàng; Sắp đặt “Giường nội trú” gồm hai giường ngủ hai tầng với kích thước mỗi chiếc 180x80x160cm; Còn “Chạm tới biển” lại là bộ phim ba kênh màu, dài 59 phút.

“Xuất hiện trong hình hài của 1945 chiếc bát và đôi đũa sơn mài, và tạo nên một không gian sắp đặt đầy áp chế, tác phẩm ‘Chén và đũa,1945’ trong tính vật chất của chúng, trong không gian thị giác vàng son do chúng dựng nên, dường như lập tức đưa người xem vào một chiều kích nằm chênh vênh giữa hiện tại và quá khứ, thực tại và tưởng tượng, đời thường và tâm linh,” nhà Giám tuyển độc lập Như Huy nhận định.

Ông Huy cũng cho rằng, ở khoảng chênh vênh ấy, có lẽ công chúng sẽ khó có thể phân biệt rõ 1945 chiếc bát và đôi đũa này là những vật dụng đời thường thiết yếu của đời sống, hay đó là những vật thể nghi lễ không thể thiếu được của sự chết (bát cơm quả trứng); là những biểu tượng cho sự đầm ấm sum vầy, trong hình hài của một bữa tiệc đoàn viên, hay là những biểu tượng cho sự hư vô, ly tán trong hình hài của 1945 nấm mộ tròn bị lật ngược.

“Giường nội trú”
lại là ký ức về một thời sinh viên của tác giả. Tuổi trẻ tươi đẹp và hào phóng của hàng triệu sinh viên Việt đã gắn liền với những chiếc giường gỗ lênh khênh và thanh bần ấy trong những ký túc xá nghèo nàn.

“Không là hành trang đời người, nhưng với chúng tôi, chiếc gường tầng là hành trang của ký ức. Hai chiếc giường sơn son thếp vàng với họa tiết long-phụng này đã ra đời trong niềm tin yêu ký ức của chúng tôi với thời hoa niên đói nghèo mà lộng lẫy, đời sinh viên khốn khó và huy hoàng,” tác giả cho biết.

Còn bộ phim ba kênh màu 59 phút “Chạm tới biển” của anh em họ Lê do New Space Arts Foundation (N.S.A.F) vừa hoàn thành năm 2011 là một bài thơ siêu thực về một cuộc tìm kiếm mà ở đó tất cả mọi yếu tố hình ảnh đều chìm nhòa, chồng lấp, hay lẫn lộn vào nhau.

Thông qua cuộc tìm kiếm này của hai nhân vật có vẻ ngoài giống hệt nhau, dọc theo bờ biển, lang thang trên các triền cát, hay trôi nổi ngoài biển khơi, lúc phẫn nộ, lúc u buồn, và đôi khi vô hướng, công chúng sẽ dễ dàng nhận ra nhiều vẻ dạng xung đột của một thực tại rã mảnh. Ở đó, mỗi cá nhân có lẽ chỉ là một bản sao, một bản thế vì của một cá nhân khác, trong tiến trình lặp lại nhau vô tận…/.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục