"Cầu mong và chúc phúc"

Triển lãm trưng bày "Cầu mong và chúc phúc"

Ngày 28/8, Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức triển lãm trưng bày sản phẩm thủ công Hàn Quốc, chủ đề "cầu mong và chúc phúc".
Ngày 28/8, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Quỹ Di sản văn hóa Hàn Quốc tổ chức triển lãm trưng bày sản phẩm thủ công Hàn Quốc, chủ đề "Cầu mong và chúc phúc".

Đây là kết quả của dự án "Tham dự và thực hành nghề thủ công truyền thống cho người truyền dạy" với những sản phẩm do các nghệ nhân và người kế tục cũng như chính các học viên đến từ Mông Cổ, Việt Nam, Indonesia và Philippines tạo nên.

Trưng bày giới thiệu với công chúng hơn 100 sản phẩm thủ công là những loại hiện vật thường được sử dụng trong những lễ thức vòng đời theo tập tục của người Hàn Quốc như ngày sinh, thêm tuổi và kết hôn, trong đó tập trung hơn vào 2 mốc quan trọng nổi bật là sinh thành và kết hôn. Những sản phẩm này được tạo nên bởi kỹ thuật khâu, thêu, tết sợi rất đặc sắc của Hàn Quốc.

Các hiện vật đều gắn liền với những giá trị văn hóa phi vật thể, mang nhiều ý nghĩa tâm linh với những mong ước về sức khỏe, tuổi thọ, giàu sang, hạnh phúc và may mắn.

Đặc biệt, trong các nghi lễ gắn với việc chuyển giai đoạn trong đời mỗi người Hàn Quốc, ý nghĩa cầu mong và chúc phúc luôn được gửi gắm qua màu sắc, hình tượng, trang trí của những vật dụng liên quan như bộ trang phục của đứa trẻ trong lễ sinh nhật đầu tiên, chiếc đệm ngồi cho cô dâu, tấm khăn phủ dùng trong lễ cưới...

"Dol" – ngày sinh nhật đầu tiên của mỗi em bé, gia đình sẽ mặc cho bé bộ trang phục truyền thống "dolbok" và tổ chức một bữa tiệc đặc biệt kỷ niệm với mong ước đứa bé luôn khoẻ mạnh và sống lâu. Kết hôn là sự liên kết xã hội hay nghi lễ gắn kết các cá nhân tạo nên sự gắn bó ruột thịt, nó vốn được coi là nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời, là điểm bắt đầu cho một cuộc đời.

Công chúng được biết đến Jumeoni là chiếc túi nhỏ để đựng tiền hoặc các đồ vật nhỏ khác, được trang trí bằng các hoa văn thêu, tết sợi và những chùm tua. Túi tròn và túi hình đôi tai là loại túi điển hình với các họa tiết thêu, đính vàng hoặc những hình bùa chú biểu tượng cho mong ước về sự giàu sang và trường thọ.

Mũ đội đầu truyền thống của Hàn Quốc có đặc trưng là ở hầu hết các mũ mở phía trên đỉnh đầu, mũ của thiếu nữ thường được trang trí bằng các hoa văn tết từ sợi, những chùm tua hoặc đính ngọc quý. Khăn phủ được sử dụng cho nhiều việc, phổ biến là trải bàn, làm chăn, trong các đám cưới, nghi lễ Phật giáo với nhiều cách trang trí, tượng trưng cho việc cầu xin và mong ước cho tuổi thọ, hạnh phúc và may mắn...

Trưng bày diễn ra từ ngày 28/8 đến 13/9/2009, trong đó ngày 29/8, du khách có cơ hội giao lưu trực tiếp với nghệ nhân và thợ thủ công đến từ Hàn Quốc, xem họ trình diễn kỹ thuật khâu và tết sợi tại Bảo tàng./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục