Triển vọng giá dầu thế giới tiếp tục ảm đạm trong ngắn hạn

Giới phân tích nhận định giá dầu thế giới sẽ không hồi phục trong ngắn hạn, khi sản lượng tiếp tục gia tăng mà nhu cầu tiêu thụ suy yếu trên toàn cầu.
Triển vọng giá dầu thế giới tiếp tục ảm đạm trong ngắn hạn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Giới phân tích nhận định giá dầu thế giới sẽ không thể hồi phục trong ngắn hạn, khi sản lượng tiếp tục gia tăng ​mà nhu cầu tiêu thụ suy yếu trên toàn cầu.

Giá dầu thô tại Mỹ cuối tuần qua đã sụt xuống dưới 40 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2009 trước khi nhích lên 40,45 USD/thùng. Trước những diễn biến ảm đạm của giá dầu, các nhà phân tích cho rằng triển vọng của thị trường dầu mỏ là không sáng sủa.

Ông Gary Dugan, Giám đốc đầu tư của Ngân hàng Quốc gia Abu Dhabi, đánh giá rằng bức tranh thị trường dầu mỏ sẽ không khả quan trong những tuần tới khi giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York sẽ dưới 40 USD/thùng, còn giá dầu Bren Biển Bắc tại thị trường London có thể vẫn thấp ở ngưỡng 40 USD/thùng.

Tháng Tám và tháng Chín là giai đoạn nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ yếu đi theo mùa khi mùa lái xe ở Mỹ (chiếm tới 10% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu) kết thúc và các nhà máy tạm ngừng hoạt động để tiến hành bảo dưỡng định kỳ hàng năm.

Theo ông Gary Dugan, nhiều thành viên trong Tổ chức nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn tiếp tục sản xuất dư thừa nhằm duy trì doanh số giữa lúc giá dầu đi xuống. Còn sản lượng của Mỹ đã giảm nhưng không như kỳ vọng.

Các số liệu của công ty kỹ thuật khoan dầu Baker Hughes cho thấy số giàn khoan ở Mỹ trong tuần qua đã tăng thêm 2 lên 674 giàn, đánh dấu tuần tăng thứ năm liên tiếp. Mặc dù đầu tư cho sản xuất của các công ty dầu mỏ Mỹ đã giảm đáng kể nhưng sản lượng dầu tại nước này vẫn duy trì ở mức gần như ổn định nhờ quy trình sản xuất hiệu quả hơn.

Tại hai cuộc họp lần lượt trong tháng 11/2014 và tháng Sáu vừa qua, OPEC vẫn quyết định giữ nguyên mức sản lượng để đảm bảo thị phần của mình, khiến giá dầu mất hơn 50%. Trong khi đó, nhu cầu của Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã sụt đáng kể do đà tăng trưởng kinh tế liên tục hụt hơi.

Chuyên gia Dugan cho rằng triển vọng giá dầu trong trung hạn sẽ phụ thuộc vào trạng thái tăng trưởng toàn cầu, cũng như sản lượng của các nhà cung cấp, nhất là Mỹ và OPEC.

Ông nói thêm: "Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ kể từ đầu năm tới nay vẫn tương đối tốt, với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Chắc chắn một điều là đà chậm lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và những vấn đề trong nền kinh tế Trung Quốc đã khiến giới thị trường đánh giá thấp nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế thế giới."

Còn nhà phân tích Richard Mallinson, thuộc hãng Energy Aspects, nhận định giá dầu sẽ không thể hồi phục trở lại cho tới quý 2/2016 sau khi đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua hôm 24/8, do giới thị trường quan ngại về đà tăng trưởng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc.

Chuyên gia này khẳng định: "Chúng ta chỉ có thể chứng kiến giá dầu leo lên mức 70 USD/thùng vào nửa đầu năm 2016. Còn hiện tại, niềm tin thị trường rất tiêu cực."

Hồi tháng trước, các nhà phân tích của Tập đoàn Royal Dutch Shell dự báo giá dầu chỉ có thể phục hồi từ từ trong 5 năm nữa, do nguồn cung quá dư thừa trên thị trường trong khi nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc ngày một suy yếu.

Trong khi đó, ông Francisco Quintana, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế của hãng Asiya Investments (Abu Dhabi), cho rằng: "Các nhân tố kinh tế cơ bản không yếu như thị trường đánh giá, do vậy giá dầu sẽ phục hồi trở lại ở mức trên 40 USD/thùng và dần ổn định ở ngưỡng trên 50 USD/thùng.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong quý 2 và quý 3 năm nay đã yếu hơn nhưng ở mức nhẹ. Các thị trường dường như đã rơi vào trạng thái mất phương hướng. Họ không biết phải làm thế nào để giải thích những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc. Sự sụt giảm của thị trường cổ phiếu trong tháng 7/2015 và thời gian gần đây đã làm giới đầu tư lao đao."

Giá dầu thế giới đã chứng kiến xu hướng giảm kể từ tháng 6/2014. Từ mức đỉnh điểm 115 USD/thùng, giá dầu đã tụt xuống khoảng 45 USD/thùng trong tuần qua, do nhu cầu tiêu thụ đi xuống trong khi sản lượng dầu gia tăng. Cả OPEC và Mỹ đều tiếp tục bơm dầu để duy trì thị phần.

Bên cạnh đó, sự tham gia của Iran vào thị trường dầu mỏ có thể tiếp tục gây áp lực lên giá dầu sau khi nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, cùng với Đức) hôm 14/7 vừa qua.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh đầu tháng này cho biết nước này có thể sẽ tăng sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày chỉ trong 1 tuần sau khi các lệnh trừng phạt đối với Tehran được bãi bỏ và tăng thêm 1 triệu thùng/ngày trong vòng 1 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục