Triển vọng hòa đàm liên Triều phụ thuộc vào cách tiếp cận của Mỹ

Sau khi ông Kim Jong-un cho biết sẵn sàng thảo luận loại bỏ hạt nhân Bình Nhưỡng nếu Mỹ đưa ra một số cam kết an ninh, Sputnik phỏng vấn bà Simone Chu và ông Tim Shorrock về đột phá này.
Triển vọng hòa đàm liên Triều phụ thuộc vào cách tiếp cận của Mỹ ảnh 1Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (phải) và đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong (trái) trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng ngày 5/3 vừa qua. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Sputniknews đưa tin, chương trình Loud & Clear của Đài Sputnik đã có cuộc phỏng vấn bà Simone Chun, thành viên của Viện chính sách Triều Tiên, đồng thời là thành viên của Mạng lưới hòa bình Triều Tiên và ông Tim Shorrock - một phóng viên điều tra ở Washington, để thảo luận về bước đột phá gần đây trên Bán đảo Triều Tiên.

Hai cuộc phỏng vấn trên được thực hiện sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 6/3 thông báo với các đặc phái viên Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng thảo luận về việc loại bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nếu Mỹ đưa ra một số cam kết an ninh.

Phóng viên Shorrock bày tỏ vui mừng khi hai bên đạt được sự đồng thuận trên và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự hòa bình này trong năm qua cũng như trong Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.

[Phó Tổng thống Mike Pence: Mỹ tiếp tục duy trì áp lực với Triều Tiên]

Ông Shorrock nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng thỏa thuận mà chúng tôi nghe từ các nhà ngoại giao Hàn Quốc... là tương tự những điều chúng tôi đã nghe từ Triều Tiên trước đó.

Nhiều năm qua, họ khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington từ bỏ chính sách thù địch - chính sách thù địch có nghĩa là Triều Tiên bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân và các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ."

Trong khi đó, chuyên gia Simone Chun đánh giá thỏa thuận đạt được giữa phái đoàn Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên là một "bước đột phá ngoại giao lớn và quan trọng."

Bà Chun nhấn mạnh: "Nếu nhìn vào phản ứng của người Hàn Quốc... mọi người đều cho rằng hòa bình đang tới... cũng có rất nhiều lời khen ngợi và cảm ơn dành cho Tổng thống Moon Jae-in. Triều Tiên đang đặt mọi thứ lên bàn đàm phán."

Bà Chun nói: "Tất cả mọi thứ cần được xem xét, tôi nghĩ rằng thỏa thuận này hoàn hảo và chúng ta cũng nên tin tưởng Triều Tiên.

Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un ra mắt quốc tế như một nhà lãnh đạo... điều này cho thấy rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mang mục đích phòng thủ thật sự."

Bà Chun đánh giá đây là một điều tuyệt vời và bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ rất nghiêm túc với nỗ lực này.

Cuối cuộc phỏng vấn, chuyên gia Shorrock lưu ý rằng mối quan hệ "lung lay" giữa Triều Tiên và Mỹ phụ thuộc vào cách thức Mỹ quyết định hành động trong tương lai.

Ông nêu rõ: "Tôi nghĩ rằng chúng ta có khả năng đạt được một bước đột phá lớn ở đây, nhưng điều này thực sự phụ thuộc vào những việc Mỹ sẽ làm và những người mà (Tổng thống Mỹ Donald Trump) chỉ định tham gia vào các cuộc đàm phán, cũng như những hành động Mỹ trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục