Triển vọng hợp tác Trung Quốc và ASEAN trong 30 năm tới

Hướng đến 30 năm tới, Trung Quốc và ASEAN phải đối diện với nhiều sức ép và thách thức bên ngoài, nên hai bên cần đổi mới tư duy, mở rộng tầm nhìn, triển khai hợp tác trên nền tảng cao hơn, rộng hơn.
Triển vọng hợp tác Trung Quốc và ASEAN trong 30 năm tới ảnh 1(Nguồn: ASEAN Briefing)

Theo báo Tri thức thế giới, năm 2021 là kỷ niệm tròn 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bên cạnh việc tổng kết kinh nghiệm lịch sử, hai bên cần thúc đẩy hợp tác trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ và cục diện quốc tế đang ở trong thời kỳ điều chỉnh mạnh.

Hướng đến 30 năm tới, Trung Quốc và ASEAN phải đối diện với nhiều sức ép và thách thức bên ngoài, nên hai bên nên đổi mới tư duy, mở rộng tầm nhìn, triển khai hợp tác trên nền tảng cao hơn, rộng hơn.

Hợp tác ứng phó với thách thức mới

Biểu hiện nổi bật của sự điều chỉnh quan trọng về quan hệ và cục diện quốc tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là sức mạnh của Trung Quốc gia tăng đáng kể và “sự quay trở lại” của Mỹ.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ từng dựa vào đồng minh Nhật Bản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để thực hiện “cân bằng từ xa”, song hiện nay đã triển khai lần lượt Chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và rộng mở. Cả hai chiến lược này đều chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, từ đối thoại, cạnh tranh cho đến kiềm chế toàn diện.

Trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Mỹ tìm cách thuyết phục ASEAN về phía mình, đồng thời bắt đầu tăng cường hoặc khôi phục quan hệ với các đối tác, đồng minh như Singapore, Philippines…

Mặc dù Mỹ và các nước đồng minh nhiều lần nhắc lại sự ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN nhưng về bản chất, cơ chế Bộ tứ (Quad, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) vẫn là trụ cột của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Bên cạnh đó, một số quốc gia ASEAN lo ngại về mức độ cạnh tranh với Trung Quốc của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở đặt ASEAN vào tình cảnh khó khăn buộc phải “chọn bên.”

[Thương mại ASEAN-Trung Quốc tăng 85 lần trong 30 năm qua]

Điều này thu hẹp không gian thực hiện chiến lược “cân bằng nước lớn” của ASEAN, đồng thời khiến cho ASEAN khó có thể tiếp tục chia sẻ lợi ích hợp tác với các nước lớn. Tương tự, sự điều chỉnh chiến lược khu vực của Mỹ buộc Trung Quốc phải cạnh tranh toàn diện với Mỹ trên các lĩnh vực an ninh, kinh tế, xã hội…, trong đó bao gồm cả sự tranh giành ảnh hưởng đối với khu vực ASEAN và các nước Đông Nam Á.

Thời gian tới, sự phát triển quan hệ Trung Quốc-ASEAN vẫn đối diện với những thách thức, mà trong ngắn hạn chủ yếu là đại dịch COVID-19 và phục hồi sau dịch bệnh.

Một năm qua, Trung Quốc và ASEAN đã áp dụng nhiều biện pháp quan trọng ở cấp độ khu vực và quốc gia, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, do sự tái diễn nhiều lần của dịch bệnh và cú sốc nghiêm trọng gây nên đối với kinh tế khu vực và quan hệ quốc tế, Trung Quốc và ASEAN vẫn sẽ cần tăng cường hợp tác về sức khỏe y tế công cộng và quản trị xã hội trong một thời gian tương đối dài. Đồng thời, kinh tế toàn cầu trì trệ và vấn đề tái cấu trúc chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng cũng sẽ khiến cho việc phục hồi kinh tế-xã hội của toàn bộ khu vực Đông Nam Á đối diện với thách thức nghiêm trọng.

Hợp tác xây dựng trật tự khu vực kiểu mới

Thời gian tới, dù cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương muốn hợp tác cùng thắng hay trò chơi có tổng bằng 0, muốn xây dựng cộng đồng chung hay đi theo con đường chia rẽ, thì bố cục chiến lược của Mỹ vẫn có ảnh hưởng rất lớn.

Tuy nhiên, điều đóng vai trò quyết định vẫn là sự tự chủ của các lực lượng trong khu vực như Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc và ASEAN nên cùng nhau nỗ lực để xây dựng trật tự khu vực kiểu mới, làm “ngọn hải đăng” kiên trì thực hiện chủ nghĩa đa phương, dẫn dắt quản trị khu vực và toàn cầu.

Tháng 9/2019, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 công bố văn kiện “Triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN,” đây là thử nghiệm ngoại giao để xây dựng lại vai trò trung tâm, duy trì tính thống nhất của ASEAN.

Văn kiện này nhấn mạnh, ASEAN sẵn sàng đóng vai trò kết nối các cơ chế hợp tác và phương án khu vực khác nhau, vừa bao gồm các phương án hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt, vừa bao gồm kết nối sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) và các phương án của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; sẵn sàng cung cấp nền tảng đối thoại cho các nước lớn để duy trì sự kết nối chính trị và quản lý khủng hoảng cần thiết, từ đó thể hiện vai trò không thể thay thế của ASEAN.

Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Đây là điều kiện cơ bản để Trung Quốc và ASEAN cùng xây dựng trật tự khu vực kiểu mới, hơn nữa trật tự khu vực hợp tác, cởi mở, bao trùm này lại là môi trường khu vực cần thiết để hai bên tiếp tục thực hiện mô hình đối thoại trong tương lai.

Hai bên cần dựa vào mục tiêu cùng thắng để thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững của khu vực. Khai thác tốt xu thế tích cực trong phát triển kinh tế của Trung Quốc và những lợi thế từ các cơ chế hợp tác ASEAN+1 và ASEAN+3 để tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng quốc tế và dẫn dắt xu hướng hợp tác khu vực. Trung Quốc nên dựa vào nguyên tắc cùng có lợi để triển khai hợp tác với các nước Đông Nam Á, xây dựng mạng lưới lợi ích chung chặt chẽ hơn.

Trong giai đoạn sắp tới, hợp tác kinh tế thiết thực và khả thi giữa Trung Quốc và ASEAN trước hết là tiếp tục thúc đẩy kết nối xây dựng chất lượng cao sáng kiến BRI và “Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025,” từ đó thúc đẩy toàn diện hợp tác trên các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, sáng tạo số, kho vận (logistics)…, củng cố hơn nữa sự kết nối trong toàn khu vực.

Trước mắt, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nên hợp tác tập trung thúc đẩy thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tạo động lực cho hợp tác kinh tế khu vực thời kỳ hậu dịch bệnh. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á, Bắc Kinh có thể thúc đẩy việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bên cạnh đó, Trung Quốc và ASEAN cũng nên tăng cường hơn nữa hợp tác đầu tư, tìm cách kết nối chuỗi cung ứng, tích cực triển khai hợp tác trên lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, mở ra không gian mới cho phát triển kinh tế. Năm 2020 là “năm hợp tác kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc-ASEAN,” hai bên đang lấy đó làm khởi điểm để đẩy nhanh xây dựng chương trình hành động hợp tác kinh tế kỹ thuật số, đẩy mạnh hợp tác đổi mới công nghệ.

Cùng ủng hộ và bảo vệ chủ nghĩa đa phương là nền tảng quan trọng để Trung Quốc và ASEAN hợp tác đối thoại. Trung Quốc và ASEAN nhiều lần nhấn mạnh trong các tuyên bố chung sẽ nỗ lực bảo vệ cấu trúc hợp tác khu vực cởi mở và bao trùm trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đây là phản ứng của Trung Quốc và ASEAN khi đối diện với “cơn gió ngược” của bối cảnh toàn cầu hóa và hợp tác khu vực suy yếu.

Về dài hạn, rốt cuộc thế giới vận động theo hướng cởi mở hay khép kín, hợp tác hay cạnh tranh là dòng chảy chính, thì thực tiễn thành công của quan hệ hợp tác đối thoại Trung Quốc-ASEAN sẽ đem lại lòng tin và định hướng cho các nước khác nhau vốn đang lúng túng trước “ngã tư đường.”

Tháng 11/2020, Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN lần thứ 23 đã công bố “Chương trình hành động thực hiện tuyên bố chung quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN hướng tới hòa bình và phồn vinh” (2021-2026).

“Chương trình hành động” đã liệt kê phương án hoàn chỉnh về hợp tác của hai bên trong thời gian tới, bao gồm 10 phương diện: Hợp tác chính trị và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội và nhân văn, kết nối liên thông, hợp tác thành phố thông minh, hợp tác phát triển bền vững, sáng kiến hội nhập ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác Đông Á, hợp tác tiểu vùng, hợp tác xuyên khu vực và các vấn đề của Liên hợp quốc, vấn đề bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau và cơ chế đa tầng cấp.

Những đồng thuận mới này được xây dựng trên nền tảng hợp tác tin tưởng lẫn nhau trong 30 năm qua, thể hiện lòng tin và quyết tâm tiếp tục hợp tác dài lâu và sâu rộng của hai bên. Đối diện với tính bất trắc về diễn biến của tình hình quốc tế và khu vực, chỉ cần Trung Quốc và ASEAN thực hiện thận trọng và chắc chắn từng “Chương trình hành động 5 năm,” thì việc phát triển quan hệ song phương sẽ không ngừng viết nên những câu chuyện thành công mới, thành tựu rực rỡ sẽ tiếp tục đến trong 30 năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục