Triển vọng kinh tế khu vực châu Á năm 2009

Theo nhận định của mạng tin EIU, tăng trưởng tại châu Á (trừ Nhật Bản) dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm 2009, xuống còn 2,6% và chỉ phục hồi ở mức 4,5% trong năm 2010.

Theo nhận định của mạng tin EIU, tăng trưởng tại châu Á (trừ Nhật Bản) dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm 2009, xuống còn 2,6% và chỉ phục hồi ở mức 4,5% trong năm 2010.
 
Điều này có nghĩa mặc dù châu Á vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất, song nhịp độ giảm sút sẽ trở nên khá rõ ràng.
 
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này là do châu Á phụ thuộc nặng nề vào chu kì thương mại thế giới nói chung và do tính nhạy cảm của hoạt động xuất khẩu trước triển vọng kinh tế các nước phát triển nói riêng. Dự báo khối lượng giao dịch thương mại thế giới sẽ giảm 2% trong năm 2009 ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu trong toàn khu vực, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và công ăn việc làm trong các ngành xuất khẩu.
 
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đã bắt đầu tác động đến sự ổn định tài chính và triển vọng tăng trưởng trong khu vực. Điều rõ ràng là những yếu tố cơ bản đối với nhiều nước trong khu vực, như mức tăng trong hoạt động cho vay ngân hàng, cán cân vãng lai, mức dự trữ ngoại tệ đã được cải thiện mạnh kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 1997-1998 đến nay.

Tuy nhiên, điều này cũng không giúp các nước trong khu vực có thể tiếp cận những nguồn vốn của nước ngoài dễ dàng hơn khi mà các nhà đầu tư tại những nền kinh tế phát triển muốn rút tiền về để bảo đảm khả năng thanh khoản. Việc nước Nga, quốc gia có số thặng dư cán cân vãng lai khổng lồ và nguồn dự trữ ngoại tệ lớn phải chứng kiến việc nguồn vốn nước ngoài chảy ra khỏi nước họ là một dấu hiệu cảnh báo đối với các nền kinh tế châu Á.
 
Cho đến giờ phút này dự kiến sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính nào tại bất cứ thị trường mới nổi lên nào của châu Á, song tình hình sẽ có thể trở nên mong manh hơn nhiều. Mức tăng trưởng của châu Á sẽ phục hồi nhanh hơn trong năm 2011-2013 khi mà hoạt động thương mại thế giới hồi phục, song với mức dưới 6,5% thì tốc độ tăng trưởng như vậy cũng sẽ là thấp so với thời kì huy hoàng những năm 2004-2007.
 
Dự báo mức tăng GDP thực tế của Trung Quốc là 6% trong năm 2009, giảm so với dự báo trước đây. Điều này phản ánh sự suy giảm mạnh trong các chỉ số kinh tế như tình trạng giảm sút trong hoạt động xuất khẩu, thị trường bất động sản,  và giảm sút trong hoạt động nhập khẩu do nhu cầu trong nước giảm xuống.
 
Theo dự báo, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ bị tác động nặng nề do sự sa sút của kinh tế Mỹ. Tại Đài Loan, xuất khẩu đã giảm 42% trong tháng 12/08 trong khi tại Hàn Quốc xuất khẩu cũng giảm 17%. Tình hình kinh tế sa sút ở Trung Quốc sẽ có tác động nặng nề tới hai nền kinh tế này. Chính vì vậy, dự kiến GDP của Đài Loan sẽ giảm 2,9% trong năm 2009 do nhu cầu xuất khẩu giảm. Do tầm quan trọng của hoạt động xuất khẩu đối với nền kinh tế nội địa Đài Loan, tác động của tình hình này là rất nghiêm trọng. Tác động này còn lớn hơn cả ảnh hưởng tích cực mà việc cải thiện đáng kể trong quan hệ với Trung Quốc đại lục mang lại đối với giới doanh nghiệp Đài loan sau khi ông Mã Anh Cửu nhậm chức người đứng đầu Đài Loan hồi tháng 5/2008.
 
Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng do đồng Won mất giá mạnh (đòi hỏi sự can thiệp qui mô lớn vào các thị trường hối đoái) trong khi niềm tin đối với nền kinh tế và tài chính bị suy giảm đáng kể. Tình trạng xấu đi hơn nữa đã chỉ được ngăn chặn nhờ hành động của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cung cấp khoản tín dụng khẩn cấp cho Hàn Quốc cũng như cho Singapore, Braxin và Mexico hồi cuối tháng 10/2008 và nhờ hành động can thiệp quyết liệt về tiền tệ của Ngân hàng Trung ương nước này. Dự đoán GDP của Hàn Quốc sẽ giảm 2,8% trong năm 2009.
 
Trong năm 2009, ASEAN sẽ chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng châu Á 1997-1998 đến nay. Dự kiến sẽ có sự suy giảm mạnh về tăng trưởng từ mức ước tính 4,8% năm 2008 xuống mức trên số không trong năm 2009, và chỉ đạt mức phục hồi yếu ớt khoảng 3% trong năm 2010.

Tình hình không mấy lạc quan này phản ánh sự phụ thuộc nặng nề của ASEAN vào hoạt động thương mại thế giới, tình trạng giảm giá nguyên liệu - vốn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước trong khu vực, và hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau đã làm tăng đáng kể nguy cơ khó khăn tài chính đối với một số nước trong khu vực. Tăng trưởng sẽ phục hồi trong năm 2011-2013, song do khó có khả năng giá nguyên liệu tăng mạnh trở lại nên mức tăng trưởng của khu vực có thể chỉ đạt ở mức 5-6%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục