Triển vọng mờ mịt trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Trong bối cảnh JCPOA đang có nguy cơ đổ vỡ, các nước châu Âu đang "đau đầu" giữa nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này và cách thức phản ứng trước việc Iran vi phạm các cam kết trong JCPOA.
Nhà máy nghiên cứu nước nặng Arak, cách thủ đô Tehran (Iran) 320km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà máy nghiên cứu nước nặng Arak, cách thủ đô Tehran (Iran) 320km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sẽ nhóm họp ở thủ đô Vienna của Áo trong ngày 6/12 nhằm cứu vãn thỏa thuận đang có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tehran tuyên bố tiếp tục không thực hiện các cam kết được nêu trong văn kiện này.

Trong cuộc họp này, các cường quốc châu Âu có thể sẽ yêu cầu Iran ngừng vi phạm JCPOA, nếu không Tehran có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, giới ngoại giao nhận định có rất ít khả năng Iran sẽ nhượng bộ trong bối cảnh nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Các phái viên Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran sẽ tham gia cuộc họp này và đây là lần đầu tiên 6 bên nhóm họp theo thể thức này kể từ tháng Bảy vừa qua.

Trong bối cảnh JCPOA đang có nguy cơ đổ vỡ, các nước châu Âu cũng đang "đau đầu" giữa nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này và cách thức phản ứng trước việc Iran vi phạm các cam kết trong JCPOA.

Một quan chức ngoại giao châu Âu nhận định: "Tôi nghĩ cánh cửa đàm phán và để cứu vãn thỏa thuận này (JCPOA) gần như không mở."

[Iran cảnh báo sẽ xem xét ''nghiêm túc'' các cam kết với IAEA]

Hiện các nước châu Âu đang cân nhắc kích hoạt cơ chế trong thỏa thuận vốn có thể dẫn tới việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng sẽ không có quyết định chính trị nào được đưa ra cho tới tháng 1/2020, khi Iran dự kiến tiếp tục thu hẹp các cam kết trong JCPOA.

Giới phân tích nhận định nếu các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc được tái áp đặt và JCPOA đổ vỡ, Iran có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Ông Ali Vaez nhận định Iran và phương Tây đang mắc kẹt trong "vòng tròn leo thang" khó có thể tránh khỏi.

Đồng quan điểm, cựu Đại sứ Pháp tại Iran Francois Nicoullaud cho rằng căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Bất đồng giữa Iran và phương Tây gia tăng sau khi Tehran giảm cam kết của mình trong JCPOA nhằm đáp lại quyết định của Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này hồi năm ngoái, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, làm tê liệt nền kinh tế nước này.

Tehran chỉ trích Anh, Pháp và Đức vì đã không bảo vệ được nền kinh tế Iran tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ, quốc gia luôn coi chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là mối đe dọa về an ninh tại Trung Đông.

Hôm 4/12, đại sứ các nước Anh, Pháp và Đức, trong lá thư của mình đã kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo cho Hội đồng Bảo anh Liên hợp quốc rằng chương trình tên lửa của Iran là "không tuân thủ" nghị quyết của Liên hợp quốc.

Đáp lại, Iran tuyên bố bức thư trên cho thấy "sự thiếu hiểu biết" của các nước này trong việc thực hiện những cam kết trong JCPOA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục