Triều cường sẽ còn diễn biến phức tạp tại khu vực Nam Bộ

Theo Trưởng phòng Dự báo-Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ Nguyễn Kiệt, đỉnh triều cường trong 5 năm trở lại đây tại trạm Phú An sông Sài Gòn và trạm Nhà Bè trên kênh Đồng Điền liên tục tăng.
Triều cường làm ngập tuyến Quốc lộ 91 đoạn đi qua phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Triều cường làm ngập tuyến Quốc lộ 91 đoạn đi qua phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Liên quan đến diễn biến triều cường phức tạp, đỉnh triều ngày càng tăng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung trong mấy ngày qua, chiều 1/10, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng Dự báo-Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết, đỉnh triều cường trong 5 năm trở lại đây tại trạm Phú An sông Sài Gòn và trạm Nhà Bè trên kênh Đồng Điền liên tục tăng.

Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Cụ thể, đỉnh triều tại trạm Phú An vào năm 2014 đạt 1,68m, năm 2015 đạt 1,61m, năm 2016 đạt 1,67m, năm 2017 đạt 1,71m, năm 2018 đạt 1,71m, còn ngày 1/10 đạt tới 1,77m, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tương tự tại trạm Nhà Bè, năm 2014 đỉnh triều đạt 1,7m, năm 2015 đạt 1,63m, năm 2016 đạt 1,69m, năm 2017 đạt 1,72m, năm 2018 đạt 1,7m và ngày 1/10 đạt tới 1,8m. Đỉnh triều tại 2 trạm nói trên đều vượt mức báo động 3 (1,5m).

Theo ông Nguyễn Kiệt, Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai và giáp Biển Đông ở phía Nam (huyện Cần Giờ), nơi có mạng sông suối, kênh rạch chằng chịt, phân nửa độ cao địa hình của thành phố có 60% diện tích dưới 2m. Vì thế, thành phố là khu vực rất nhạy cảm với các yếu tố khí tượng thủy văn như vấn đề ngập lụt khi có mưa lớn và thủy triều lên cao.

Lý giải nguyên nhân khiến đỉnh triều cường ngày càng cao ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Nguyễn Kiệt cho biết, trong những năm gần đây, tình hình thủy triều dâng cao vào những tháng cuối năm làm xu hướng mực nước triều năm sau cao hơn năm trước.

Một số nguyên nhân chính như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nước biển dâng, tình trạng nền đất Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang bị sụt lún do hệ quả của việc bêtông hóa và khai thác nước ngầm quá mức.

Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, các vùng trũng thấp trở thành khu đô thị, việc lấn chiếm kênh rạch làm thu hẹp lòng dẫn khiến nước tập trung trên lòng dẫn mà không có chỗ thoát.

[Đỉnh triều sông Sài Gòn-Đồng Nai tiếp tục xác lập kỷ lục mới 1,77m]

Ngoài ra, đỉnh triều trong những ngày vừa qua lên cao vượt mực nước lịch sử tại Phú An và Nhà Bè do khoảng một tuần gần đây, gió chướng hoạt động mạnh khiến mực nước tại các cửa sông dâng cao trùng với đợt triều cường đầu tháng Chín Âm lịch nên đỉnh triều mới cao kỷ lục.

Dự báo diễn biến triều cường khu vực Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đại diện Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho rằng, những tháng cuối năm thường là những tháng triều cường lên cao theo chu kỳ.

Khu vực Nam Bộ chịu ảnh hưởng triều Biển Đông với chế độ bán nhật triều không đều, hàng tháng có 2 kỳ nước lớn trùng với chu kỳ của tuần trăng, triều cường xuất hiện vào các ngày rằm và ngày cuối tháng Âm lịch.

Dự báo từ nay đến cuối năm nay, triều cường sẽ tiếp tục ở mức cao, độ cao mực nước còn tùy thuộc vào các yếu tố mưa tại chỗ trùng với đợt triều cường, hoạt động của gió mùa Đông Bắc. Về lâu dài xu thế mực nước triều cao vẫn tiếp tục xảy ra ở khu vực Nam Bộ.

Trong ngắn hạn, dự báo mực nước khu vực Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1-10/10 trên các sông, rạch dao động ở mức cao trong những ngày đầu tuần sau đó xuống nhanh. Mực nước đỉnh triều cao nhất trong tuần cao hơn báo động 3 từ 0,2-0,25m và cao hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 0,05m.

Trong những ngày qua, việc triều cường vượt đỉnh kỷ lục (1,8m tại trạm Nhà Bè vào ngày 1/10; 1,77m tại trạm Phú An vào chiều tối 30/9) đã gây ngập nặng nhiều khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của người dân cũng như kinh doanh, sản xuất của không ít doanh nghiệp.

Ngập lụt do triều cường cũng gây ô nhiễm môi trường, đe dọa nguy cơ dịch bệnh khi nguồn nước thải sinh hoạt trào ra từ các hố ga, cơ sở sản xuất tràn ra đường, chảy vào nhà dân, thấm vào mạch nước ngầm cũng như các bồn chứa nước sạch./.

Ngập sâu trên đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Ngập sâu trên đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Đường Trần Xuân Soạn, Quận 7 ngập sâu, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Đường Trần Xuân Soạn, Quận 7 ngập sâu, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Người dân di chuyển khó khăn trong mùa triều cường. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Người dân di chuyển khó khăn trong mùa triều cường. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Người dân di chuyển khó khăn trong mùa triều cường. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Người dân di chuyển khó khăn trong mùa triều cường. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Nước ngập sâu ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của người dân trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Nước ngập sâu ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của người dân trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Nước ngập sâu gây ngập nhiều khu vực ở quận Bình Tân. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Nước ngập sâu gây ngập nhiều khu vực ở quận Bình Tân. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Nước ngập sâu tràn vào nhà dân chiều ngày 29/9. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Nước ngập sâu tràn vào nhà dân chiều ngày 29/9. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục