Triều cường tại Cần Thơ đã vượt báo động 3 và tiếp tục dâng cao

Nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố Cần Thơ như Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, 30/4, Cách Mạng Tháng Tám, Ngô Quyền, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu gần hết bánh xe máy.
Triều cường tại Cần Thơ đã vượt báo động 3 và tiếp tục dâng cao ảnh 1Đường Trần Hưng Đạo ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ bị ngập nặng do triều cường. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 8/10, triều cường tại thành phố Cần Thơ đã lên vượt báo động 3 và sẽ tiếp tục dâng cao trong những ngày tới. Đây là đợt triều cường rằm tháng Chín âm lịch (khoảng ngày 10-15/10) và có khả năng là kỳ triều cường cao nhất trong năm 2022.

Theo ghi nhận của phóng viên, triều cường ở Cần Thơ dâng cao kết hợp với mưa lớn kéo dài từ rạng sáng làm cho nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố như Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, 30/4, Cách Mạng Tháng Tám, Ngô Quyền, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu gần hết bánh xe máy.

Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt, đi lại của người dân.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước ghi nhận tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu vào sáng 8/10 là 2,16m (cao hơn báo động 3 là 0,16m). Nguyên nhân mực nước trên sông, rạch lên nhanh do triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền và nước thượng nguồn sông Mekong đổ về.

Trong vài ngày tới, triều cường ở Cần Thơ tiếp tục lên cao, khả năng sẽ đạt đỉnh từ ngày 10-12/10.

Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong đợt triều cường này có khả năng lên mức 2,20-2,25m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,20-0,25m, tương đương với với đỉnh triều cường lịch sử năm 2019.

Thời gian xuất hiện đỉnh triều cường Cần Thơ hàng ngày vào lúc 5-7 giờ và từ 16-18 giờ. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở Cần Thơ là cấp độ 2.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ cho biết, đây là đợt triều cường có đỉnh triều lên mức rất cao cùng với mưa lớn có thể gây ngập úng trên diện rộng tại khu vực trũng thấp, vùng nội ô ven sông của thành phố.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ yêu cầu thành viên của ban, các cấp, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tổ chức theo dõi diễn biến mưa, lũ, triều cường để thông tin đến chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông, chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động biện pháp phòng, tránh.

[Chủ động ứng phó lũ kết hợp triều cường, sạt lở trên sông Cửu Long]

Các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão xuất hiện để theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn; kịp thời đề xuất với lãnh đạo chủ trương, biện pháp ứng phó; tổng hợp tình hình phòng, chống thiên tai trong phạm vi phụ trách để báo cáo về Ban theo quy định.

Các quận trung tâm thành phố chủ động phương án phân luồng giao thông, tổ chức giăng biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực ngập sâu, tuyến đường giao thông cặp sông rạch, nhằm tránh nguy hiểm cho người đi đường…

Theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long, sông Tiền, sông Hậu chịu ảnh hưởng thủy triều Biển Đông và nước sông Mekong đổ về.

Trong năm có 3 đợt thủy triều có mức nước cao nhất đó là đợt nước rằm tháng Tám, 30/8, và rằm tháng Chín âm lịch. Đây là những đợt thủy triều mà thành phố Cần Thơ và các đô thị vùng giữa đồng bằng từ Quốc lộ 1A ra biển thường bị ngập mỗi đợt vài ngày và ngập sâu nhất trong vài tiếng vào giờ con nước lớn trong ngày.

Nhờ lượng mưa khá, mực nước sông Mekong trên toàn lưu vực hiện nay đã đạt mức bình thường và có khả năng tăng cao do bão số 4 bổ sung nước.

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, đợt nước khoảng ngày 10-15/10, Cần Thơ và các đô thị từ Quốc lộ 1A ra biển có thể sẽ ngập nặng nhất trong năm vì khi đó thủy triều từ biển vào đụng với đợt đỉnh lũ từ thượng nguồn đổ về./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục