"Triều nâng bệ phóng tên lửa ở bờ biển phía Đông"

Nhật Bản cho biết hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang nâng một bệ phóng tên lửa ở bờ biển phía Đông nước này.
Hãng Kyodo dẫn lời một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang nâng một bệ phóng tên lửa ở bờ biển phía Đông nước này, song nhận định rằng đó có thể chỉ là hành động “ngụy tạo” của Bình Nhưỡng.

Hiện Tokyo vẫn duy trì mức độ báo động cao và phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc trong việc thu thập thông tin về khả năng Triều Tiên phóng tên lửa.

Trong khi đó, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 11/4 dẫn nguồn tin tình báo cho biết Triều Tiên dường như đang liên tục di chuyển một số tên lửa trên bờ biển phía Đông nước này nhằm tránh bị tình báo theo dõi.

Giới tình báo Hàn Quốc cho rằng “có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể phóng tên lửa Musudan vào bất cứ lúc nào.”

Theo nguồn tin trên, Triều Tiên đã di chuyển hai tên lửa tầm trung Musudan ra vào một nhà kho ở thành phố cảng Wonsan ở miền Đông. Trong khi đó, ít nhất 5 bệ phóng di động cũng đang được di chuyển xung quanh tỉnh Nam Hamgyeong.

Với tầm bắn 3.000-4.000km, tên lửa Musudan có khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam và mọi mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trước những diễn biến trên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này có thể đánh chặn các tên lửa được phóng từ Triều Tiên nếu chúng nhằm vào lãnh thổ Hàn Quốc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok khẳng định: “Hàn Quốc sở hữu các tên lửa Patriot. Dù các tên lửa này không thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ, song nếu tên lửa Triều Tiên nhằm vào lãnh thổ Hàn Quốc, chúng tôi có thể bắn hạ."

Hiện Hàn Quốc đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-2 có khả năng bắn hạ tên lửa và máy bay chiến đấu ở độ cao 30km.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết Tokyo đã chuẩn bị kỹ lưỡng biện pháp ứng phó với tình huống Triều Tiên phóng tên lửa và sẽ tiếp tục thu thập thông tin cũng như duy trì liên lạc chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc.

Hiện Nhật Bản đã lên kế hoạch sử dụng tên lửa hạm đối không SM3 trên hai tàu hộ tống Aegis triển khai ở Biển Nhật Bản để bắn hạ tên lửa của Triều Tiên ngay trên tầng khí quyển khi xác định khả năng tên lửa đó bay vào lãnh thổ Nhật Bản.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục duy trì hệ thống đánh chặn đất đối không Patriot (PAC-3).

Đảo Guam - vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, cũng đã nâng mức báo động và thử hệ thống báo động khẩn cấp sau khi Triều Tiên đưa ra cảnh báo xác định hòn đảo này là một mục tiêu tấn công tiềm năng.

Theo giới chức đảo Guam, vùng lãnh thổ này đã nâng mức báo động lên màu "vàng" trong hệ thống báo động gồm xanh, vàng và đỏ. Điều đó có nghĩa là hòn đảo này “chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống khẩn cấp.”

Một sỹ quan quốc phòng cấp cao của Mỹ giấu tên cho biết hệ thống radar dải tần X đặt trên biển (SBX) của quân đội nước này hiện đã được triển khai vào vị trí nhằm phát hiện bất cứ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên.

[Hệ thống radar SBX của Mỹ đã sẵn sàng "trực chiến"]

Hiện Mỹ đã triển khai hai tàu khu trục lớp Arleigh trang bị vũ khí chống tên lửa tới khu vực Tây Thái Bình Dương, trong khi các khẩu đội tên lửa đánh chặn THAAD đặt trên mặt đất cũng đã được bố trí tới đảo Guam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục