Triều Tiên cấm lưu hành ấn phẩm từ Hàn Quốc

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ ngày 1/12, CHDCND Triều Tiên cấm lưu hành tại nước này tất cả các loại ấn phẩm, kể cả báo chí, do Hàn Quốc phát hành.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ ngày 1/12, CHDCND Triều Tiên cấm lưu hành tại nước này tất cả các loại ấn phẩm, kể cả báo chí, do Hàn Quốc phát hành.

Triều Tiên đã thông báo với Hàn Quốc lệnh cấm này vào sáng 30/11. Theo đó, nhân viên làm việc tại khu công nghiệp Keseong và khách đến thăm không được mang theo các ấn phẩm do Hàn Quốc xuất bản. Nếu bị phát hiện, nhà chức trách sẽ tịch thu, người vi phạm sẽ bị buộc quay trở lại.

Đây được xem là biện pháp siết chặt quản lý của Bình Nhưỡng đối với khu công nghiệp Keseong nhằm phản đối chính sách đối với Triều Tiên của Chính phủ Hàn Quốc. Trước đây, Bình Nhưỡng cho phép nhân viên Hàn Quốc làm việc tại Keseong được đặt 20 tờ báo của 9 nhà xuất bản Hàn Quốc.

Cũng bắt đầu từ ngày 1/12, quyết định hạn chế qua lại biên giới trên bộ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên chính thức có hiệu lực. Kể từ ngày này, Bình Nhưỡng chỉ cho phép dưới 1.000 người Hàn Quốc ở lại làm việc trong khu công nghiệp Keseong,  thấp hơn nhiều so với mức 1.600-1.700 mà Hàn Quốc đề nghị. Số người Hàn Quốc qua giới tuyến quân sự giữa hai miền bị giảm một nửa.
 
Cổng vào khu công nghiệp Keseong nằm ở biên giới phía Tây sẽ chỉ mở 6 lần/ngày thay vì 19 lần như trước đây. Số người được phép qua biên giới trong mỗi lần mở cửa cũng giảm từ 500 xuống còn 250, trong khi số phương tiện qua lại giảm xuống 150 từ mức 200. Trong khi đó, tuyến đường phía Đông dẫn tới khu thắng cảnh Núi Geumgang chỉ mở cửa một lần/tuần thay vì 2 lần/ngày như trước đây.
 
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng mặc dù Triều Tiên tuyên bố vẫn đảm bảo hoạt động cho khu công nghiệp Keseong, nhưng những giới hạn mà Bình Nhưỡng áp đặt trong thời gian dài chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp.

Theo các nhà phân tích kinh tế Hàn Quốc, nếu Keseong bị đóng cửa, mỗi người lao động Triều Tiên mất đi khoản thu nhập 70 USD/tháng, có nghĩa là Triều Tiên sẽ mất một khoản thu ngoại tệ khoảng 30 triệu USD/năm, trong khi đây là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu cho nền kinh tế đang rất khó khăn của Triều Tiên.
 
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, thiệt hại còn lớn hơn. Hàn Quốc đã đầu tư 120 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở Keseong, nếu tính cả chi phí xây dựng và trang thiết bị của các doanh nghiệp thì con số này lên tới 500 tỷ USD.

Trước tình hình này, các đảng đối lập ở Hàn Quốc tiếp tục kêu gọi Tổng thống Lee Myung-Bak thay đổi lập trường với Triều Tiên. Từ Seoul, phóng viên TTXVN cho biết lãnh đạo ba đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ (DP), Đảng Lao động Dân chủ (DLP) và Đảng vì sự đổi mới của Hàn Quốc (ROKP) sau phiên họp Quốc hội ngày 30/11 đã ra tuyên bố chung, kêu gọi Tổng thống Lee có cách tiếp cận thực tế với Triều Tiên, tìm kiếm giải pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy hợp tác giữa hai miền.
 
Họ đề nghị ông Lee Myung-Bak đưa ra cam kết rõ ràng về những biện pháp sẽ thực hiện nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với Tuyên bố chung ngày 15/6/2000 và 4/10/2007 mà các cựu Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã ký với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
 
Tuyên bố chung còn kêu gọi Tổng thống Lee tích cực ngăn chặn các tổ chức xã hội rải truyền đơn sang Triều Tiên, tránh để hoạt động này gây thêm căng thẳng trong quan hệ hai miền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục